Đặc sản địa phương

Đặc sản địa phương

Đặc sản Bánh Gio Quảng Yên

     Nằm yên bình bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là nơi bảo tồn khá nguyên vẹn những nét văn hoá, tín ngưỡng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó phải kể đến nghề làm bánh gio gia truyền.
Bánh gio là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Quảng Yên (Nguồn ảnh: happymarina)
     Là loại bánh làm từ những nguyên liệu sẵn có, gắn với nông nghiệp nên bánh gio là thứ quà quê thường gặp ở nhiều vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, với những phương thức làm bánh được truyền lại từ lâu đời, bánh gio Hà Nam lại mang mùi vị đặc biệt hơn cả. Bánh gio được làm quanh năm, nhưng để có chiếc bánh ngon thì vào khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, vì vào các thời điểm này đúng vụ gặt, bánh gio được làm bằng gạo nếp mới và đây cũng là thời điểm người làm bánh gio để phục vụ Tết Nguyên đán. Vào dịp Tết ở vùng đảo Hà Nam, bánh gio bán chạy hơn bánh chưng, tuy cùng được làm từ gạo nếp, nhưng bánh gio ăn mát, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. 
     Để làm được bánh gio đạt chất lượng thơm ngon, hấp dẫn thì ngoài thực hiện đúng công thức, người làm bánh phải thực sự yêu nghề, cẩn trọng, tỉ mỉ ở từng khâu trong quy trình làm bánh. Nguyên liệu chính của loại bánh này là gạo nếp. Muốn có được bánh ngon, người làm nghề phải chọn gạo nếp mùa mới trắng, tròn, đều hạt và thơm, đem sàng sảy kỹ, chọn bỏ các hạt xấu và gạo tẻ lẫn vào. Bởi chỉ cần lẫn chút gạo tẻ, bánh sẽ bớt đi độ dẻo, vị thơm vốn có.
Để làm được những chiếc bánh ngon người làm bánh cũng cần phải lựa chọn nguyên liệu hết sức kỹ càng
(Nguồn ảnh: baoquangninh)
     Gạo vo xong được hong khô rồi đem ngâm với nước gio khoảng chừng 5 giờ. Nước gio để ngâm gạo ở Quảng Yên cũng rất đặc biệt, không giống như các địa phương khác. Nếu như ở Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, bạn sẽ thấy người dân ngâm gạo vào nước gio được đốt từ cây dền gai, rơm nếp, vỏ bưởi; ở Phú Yên là tro của cây tầm gửi, bưởi, cây vừng; hay ở Yên Lãng, Thanh Hóa sẽ là tro của rơm nếp, bẹ cau nếp, quả vừng và măng tre… thì riêng ở vùng đảo Hà Nam, Quảng Yên người dân lại dùng cây giá (một loài cây sống ở rừng ngập mặn chỉ có ở ven sông Bạch Đằng) đốt rồi lấy tro ngâm gạo để làm bánh.
     Mỗi loại bánh lại có một thứ lá gói riêng. Bánh gio chủ yếu dùng lá dong và lá chuối. Người làm bánh chọn lá đẹp, lành, phơi lá, luộc lá cho mềm, rửa sạch. Làm khuôn bánh cũng thật kì công. Những lá luộc rồi được đặt bên trong, bao bọc bên ngoài là một lớp lá chuối và lá dong xanh, cuộn lại thành khuôn.
     Khi gạo ngậm nước, căng tròn, mọng hạt, người làm bánh vớt ra rồi trộn cùng một lượng vừa đủ ruột gấc đỏ cho gạo thêm màu tươi tắn và có vị ngọt bùi. Khuôn bánh đã xong, gạo đã trộn đều, mới bắt đầu đổ gạo vào khuôn, sau đó gói miệng khuôn lại và dùng dây chuối hoặc dây đay, dây nilon xé nhỏ, buộc bánh cho chặt. Luộc bánh cũng lắm công phu. Bánh được xếp vào nồi theo chiều đứng, phải kín mà không quá chặt, có thế bánh mới chín đều và đẹp. Lửa phải giữ cho đủ độ, như vậy bánh mới chín rền, mềm mà không nát. 
Bánh gio màu vàng nâu chấm với mật sóng sánh ăn vừa ngon lại vừa mát (Nguồn ảnh: baoquangninh)
     Bánh gio luộc chín, bóc từng lớp vỏ ngoài thấy hiện lên một màu vàng nâu, trong như hổ phách, chưa cần thưởng thức cũng đã quyến rũ người ăn. Bánh gio thường được chấm với nước mật hoặc với đường. Cắn một miếng thấy được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện lẫn với vị ngọt của đường, cảm nhận được sự tài hoa, khéo léo của những người thợ làm bánh.
     Giờ đây chiếc bánh gio không chỉ gắn với mâm cỗ ngày Tết, ngày chạp Tổ, ngày lễ hội… mà còn là thứ đặc sản mang đậm hương vị vùng quê, là tiếng lòng chân phương của người dân Hà Nam gửi đến bạn bè phương xa.
Trung tâm TTXTDL biên tập

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862