Đặc sản địa phương

Đặc sản địa phương

Đến Bình Liêu thưởng thức xôi ngũ sắc

     Bình Liêu không chỉ nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những ngọn núi trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh, hay không khí trong lành thanh khiết…, mà còn làm mê đắm biết bao khách du lịch bởi nét văn hóa ẩm thực độc đáo, một trong số đó có thể kể đến món xôi ngũ sắc (trong tiếng Tày là ngài đau đí).
Xôi ngũ sắc (ngài đau đí) là một món ăn nổi tiếng của vùng đất Bình Liêu (Nguồn ảnh: dulichbinhlieu)
     Xôi ngũ sắc từ lâu đã được biết đến là đặc sản ẩm thực của vùng Bình Liêu. Vào mỗi dịp lễ Tết, hội hè, đồng bào dân tộc vùng Bình Liêu - Quảng Ninh thường làm mâm xôi ngũ sắc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách. Gọi là xôi ngũ sắc thì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh do chính tay người Tày, người Dao, Người Sán Chỉ nơi đây làm, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này.
     Điều thú vị là 5 màu sắc tạo thành một tổng thể, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Món xôi ngũ sắc là đặc sản hội tụ những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa triết lý âm dương và nhân sinh cao đẹp.Hơn nữa, xôi ngũ sắc cũng là cách thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ vùng cao.
Xôi ngũ sắc không chỉ tượng trưng cho âm dương ngũ hành mà qua đó còn thể hiện được sự đảm đang, khéo léo của những người phụ nữ vùng cao
     Nấu xôi không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Để làm món xôi ngũ sắc, việc đầu tiên là phải chọn gạo. Gạo để đồ xôi nhất định phải là gạo nếp mới, ngon nhất. Loại gạo nếp đặc sản vừa thơm, vừa dẻo, được trồng ở những mảnh ruộng bậc thang màu mỡ. Nước đồ xôi phải là nước suối nguồn thì xôi mới thơm ngon. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng đều được làm từ củ, lá cây rừng. Công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cũng rất cầu kỳ. Đồng bào thường lấy cây cơm lông, sử dụng cả lá lẫn cành, đun sôi với nước để tạo ra thứ nước màu đỏ. Màu vàng được tạo ra từ quả dành dành chín, trộn thêm chút rượu trắng, giã nát, hòa vào nước để lọc lấy loại nước màu vàng tươi. Giã lá dạ cẩm với một chút tro đốt từ lá chuối khô (lượng tro theo kinh nghiệm của từng người để có màu như ý muốn), hòa nước lã và gạn đi các chất lắng lại, ta sẽ được nước màu lam đậm, muốn có màu nhạt hơn thì hòa thêm nhiều nước lã, nếu muốn màu tím violet thì hòa với nước sôi, nếu muốn màu tím đậm thì hòa với nước đã được thêm mẩu gang nướng ngâm cùng. Riêng cấp độ màu lam và màu tím, bằng công thức pha chế, đồng bào có thể tạo ra 6 màu xôi khác nhau. Gạo nếp sau khi đã vo sạch đem ngâm với nước màu đã chuẩn bị khoảng 8 giờ trước khi đồ, mỗi màu ngâm riêng một chậu.
Màu sắc của xôi được tạo nên từ những loại lá cây tự nhiên (Nguồn ảnh: baoquangninh)
     Dụng cụ đồ xôi là chõ bằng gỗ. Cách tính toán để đổ các lớp gạo đã ngâm màu không bị phai lẫn vào nhau là một kỹ năng được mỗi người nấu xôi tích lũy, màu đậm sẽ ở lớp dưới cùng nhất, trên cùng là gạo trắng (không ngâm nước màu). Để có được chõ xôi dẻo, mềm, đồng bào đun củi cháy đều liên tục khoảng 4 giờ. Củi cũng phải lựa chọn những loại cây đượm lửa, không có khói đen. Khi xôi chín cần tiến hành trộn đều để có được một chõ xôi ngũ sắc đẹp mắt; có người không thích trộn các màu với nhau mà để thành từng màu riêng biệt, đơm vào khuôn tạo hình theo ý muốn. Việc trộn xôi hay đơm xôi phải thực hiện khi còn nóng, nếu nguội sẽ khó trộn, tạo hình xôi không đẹp.
     Xôi ngũ sắc được coi là một lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng mang theo khi tảo mộ trong ngày 3/3 của người Tày. Ngoài con gà luộc chín, thịt lợn, cá, tôm, vàng hương… con cháu sẽ đơm 2 bát xôi, 1 bát để ở mâm lễ trước phần mộ, còn một bát để ở mâm lễ đặt trên mộ dấu (tì tậc). Thường thì sau một tuần hương và 12 tuần rượu thì xong thủ tục cúng lễ, những người tham gia tảo mộ cùng nhau ăn một chút xôi.
Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ tết của người Tày (Nguồn ảnh: baoquangninh)
     Ngày nay, giữa bộn bề cuộc sống, các gia đình người Tày ở Bình Liêu vẫn tự tay làm lấy một chõ xôi nhiều màu mỗi dịp tháng 3 về. Ngoài ra, trong các dịp gia đình có việc trọng đại (lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ mừng nhà mới,...) người ta cũng đồ loại xôi này. Đó là một món dân dã thơm thảo và rất lành được chế biến hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên. Từ một thứ quà giản dị, xôi ngũ sắc(ngài đau đí) đã trở thành sản vật cao quý trên mâm lễ ngày 3/3. Sản vật đó thay con người tỏ lòng thành kính với tổ tiên, thay cho ước mong con người có được sức khỏe và sự yên bình.
Trung tâm TTXTDL biên tập
 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862