Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Đền Đá Trắng dưới chân núi Mằn

    Ở Hạ Long ( Quảng Ninh) có một ngôi đền cổ ở dưới chân núi Mằn, đó là đĐá Trắng. Đây là địa diểm mà du khách gần xa ùn ùn kéo về dâng hương, khấn nguyện. Trong khi nhiều nơi chủ yếu thờ vọng thì riêng đền Đá Trắng chính thờ thượng tiên đạo giáo. Đây là nét đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt có sức hấp dẫn du lịch tâm linh.
Tam quan và đền hạ nằm ở chân núi.
    Đền Đá Trắng tên chữ là Bạch Thạch linh từ nằm ở thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, TP Hạ Long. Bân sơn nghĩa là núi đẹp, hoàn thiện. Núi "Bân" dân quen gọi là "Mân", từ "Mân" mà đọc chệch thành núi "Mằn" nằm giữa hai nhánh suối là suối Đá Trắng (Bạch Thạch Khê) và suối Lưỡng Kỳ đổ ra sông Đá Trắng tạo nên cảnh quan rất đẹp, sơn thủy hữu tình, hệ động thực vật phong phú.
    Sách Đồng Khánh dư địa chí chép rằng: "Núi Bân thuộc xã Xích Thổ. Xung quanh toàn là núi đất, chỉ riêng núi này là núi đá lèn cao vách dựng. Phía Đông núi có Khe Bân, phía Tây có khe Đá Trắng (Bạch Thạch Khê) đáng gọi là danh thắng”.
    Đoạn hai dòng sông nhập một, gọi chung là sông Đá Trắng nước đổ ra cửa bến Gạo Rang. Gạo Rang là tên một bến nước dưới hạ lưu sông Mằn mà đền Bạch Thạch gối sơn quan thủy. Chính sử, bến Gạo Rang và Bến Đồng là cảng biển trong vịnh Cửa Lục, nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn có từ thời nhà Lý. Chính vì thế, có giả thuyết cho rằng đền Bạch Thạch nhiều khả năng khởi dựng cùng với chùa Trăm Gian, tháp 14 tầng ở Cống Đông (xã Thắng Lợi, nay thuộc huyện Vân Đồn, xưa từng cùng thuộc huyện Hoành Bồ) thuộc thương cảng Vân Đồn ngay từ thời nhà Lý hưng thịnh.
    Quần thể di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Núi Mằn thờ thần núi Mằn (Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương) và Long Hải sơn thần (vị thần cả cai quản vùng sông nước), nhân dân trong vùng đã xây dựng đền Bạch Trạch ngay dưới chân núi. Ban đầu chỉ là am cỏ nhỏ, do các thương thuyền phát tâm lập lên, tín ngưỡng cầu an mỗi chuyến đi biển. 
    Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến nay đền không còn thờ Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương và Long Hải sơn thần, mà xây dựng thêm am thờ Phật và thờ Mẫu Thượng Ngàn, Tam toà Thánh Mẫu. Đền có khuôn viên gần 1.000m2, bao gồm các công trình: Phủ Bà Chúa Đá trắng, am Thờ Phật, nơi thờ Sơn Thần và Cung bà Chúa Bản thổ. Hầu hết các công trình được xây trạch, trát vữa, mái lợp ngói tây và nền lát gạch hoa. Cùng trong quần thể di tích núi Mằn còn có đền ông Cộc, Ông Dài, Ông Lang, miếu Cạch Trạch.
    Đền thờ thần chủ núi Mằn ở sát chân núi, chính điện thờ pho tượng nữ thần tôn hiệu Bạch Ngọc nương nương, Thượng tiên đạo giáo, bằng đá trắng nguyên khối. Đền Bạch Thạch qua nhiều lần trùng tu, vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống mang đặc trưng sự hội nhập văn hóa thế kỷ thứ VI tam giáo đồng nguyên, có phối thờ Hội đồng tứ phủ, Ngọc hoàng thượng đế, Tam Thanh và am thờ Phật. 
Đền Đá Trắng nằm trong quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Núi Mằn
    Công trình tín ngưỡng xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đậm đà nét văn hóa tôn giáo đạo mẫu và truyền thuyết dân gian địa phương. Từ trên đền thượng chỗ sườn núi, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh quan ruộng đồng làng mạc, sông nước, núi rừng. Phía Đông và phía Tây ngọn núi có dòng sông Bân và sông Đá Trắng chảy lượn bao quanh nhìn rất hấp dẫn. Ruộng đồng bên dưới có đặc sản khoai sọ thơm ngon, cà ra ở sông Mằn được nhân dân coi là lộc của Bạch Thạch Thượng Tiên ban cho. 
    Đền Đá Trắng cùng với danh thắng núi Mằn còn được người dân địa phương coi như biểu tượng trong đời sống văn hóa tâm linh với nhiều truyền thuyết dân gian hấp dẫn. Đó là truyền thuyết về thần núi Mằn hôn phối cùng với người phụ nữ ở địa phương, là cha sinh ra thần Rắn (Ông Dài). Thần núi Mằn bảo vệ con dân trong khu vực, ngày nay nhân dân trong vùng vẫn đến đền, miếu lễ bái. Đó còn là truyền thuyết ông khổng lồ gánh đá vá trời giải thích sự hình thành của cặp đôi song sinh núi Bài Thơ và núi Mằn.
    Nằm ở phía Đông của Núi Mằn còn có hang đầu Bụt với nhiều nhũ đá trong hang rất đẹp, căn cứ vào các chữ Hán được khắc trong vách hang thì đây là nơi thờ tự sơn thần (Cao Sơn thượng đẳng thần) của nhân dân trong vùng từ hàng trăm năm trước.
    Điều đặc biệt thú vị là về núi Mằn Sơn với câu sấm truyền:  "Mằn Sơn án hải vạn đại đế vương". Núi Mằn còn là nơi chứa đựng nhiều trầm tích văn hoá hệ động thực vật biển hóa thạch trên núi chứng tỏ kiến tạo địa chất vài chục triệu năm mới có được, cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện.
    Đền Bạch Thạch là công trình văn hóa tín ngưỡng tôn giáo trong cụm Di tích quốc gia núi Mằn, điểm đến tiêu biểu trong chuỗi du lịch sinh thái tâm linh bên bờ Bắc vịnh Cửa Lục. Với vẻ đẹp hữu tình tạo hoá đã ban tặng cùng với hệ thống đền, miếu gắn liền với nhiều truyền thuyết lịch sử, quần thể di tích lịch sử - danh thắng núi Mằn đã được Bộ VH,TT&DL quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định 2011/QĐ-BVHTTDL ngày 08/7/2014. 
Nguồn: Báo Quảng Ninh
 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862