Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Đình Vạn Ninh (Móng Cái) - "Cột mốc văn hóa" nơi biên giới

    Đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh) cùng với một hệ thống các di tích của Móng Cái như: Đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, đình Tràng Vỹ, đền Thánh Mẫu, chùa Nam Thọ, chùa Xuân Lan, đình làng Bầu... là biểu trưng cho văn hoá truyền thống của dân tộc, là “cột mốc văn hoá” khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.
Đình Vạn Ninh mới được phục dựng lại năm 2006 - 2007.
Ảnh: Nguyễn Thị Dương (Phòng Văn thể TP Móng Cái)
     Ngôi đình nằm ở thôn Trung, thuộc xã Vạn Ninh (TP Móng Cái). Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV để thờ Lý Thường Kiệt, người được tôn là Thành hoàng làng. Ngoài ra, đây còn là nơi thờ tự của 7 vị thần khác là: Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Giác Hải, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, vua Trần Nhân Tông, tướng quân Phạm Ngũ Lão, tướng quân Yết Kiêu và vua Lê Thái Tổ. Các vị thần này đều có sắc phong, sắc của vua Tự Đức cho Lý Thường Kiệt, Không Lộ thiền sư và Giác Hải thiền sư, Trần Hưng Đạo hiện được giữ tại đình, số còn lại được lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Hiện đình còn có hai ban thờ ở hai hồi của nhà tiền tế, ban phía đông thờ cụ tổ của hai họ Bùi, họ Nguyễn - hai họ đứng ra xây đình đầu tiên; ban phía tây thờ cụ tổ của các dòng họ sau này tham gia xây dựng đình.
    Theo sử sách ghi lại, vào cuối thế kỷ XI, nhà Tống âm mưu thôn tính Đại Việt, chúng tập trung quân, lương thực, khí giới ở Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu để làm bàn đạp tiến quân xâm lược nước ta. Với tư tưởng tấn công để tự vệ, Lý Thường Kiệt chủ trương tổ chức cuộc tập kích thẳng sang đất Tống nhằm tiêu diệt các căn cứ xâm lược của kẻ địch rồi quay về bố trí phòng thủ đất nước. Mục tiêu của cuộc tấn công là các trại biên giới của quân Tống, cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu và chủ yếu là thành Ung Châu. Ngày 27-10-1075, cuộc tiến công của quân ta bắt đầu. Đạo quân của các tù trưởng thiểu số chia thành nhiều mũi vượt biên giới tiến đánh các trại quân Tống, đạo quân chủ lực của Lý Thường Kiệt vượt biển đánh chiếm cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu với sức tiến công mãnh liệt. Chỉ trong vòng 7 ngày, quân Đại Việt đã chiếm được Khâm Châu, Liêm Châu và có mặt ở thành Ung Châu. Ngày 1-3-1076, quân ta hạ thành Ung Châu. Tháng 4 năm đó, Lý Thường Kiệt cho quân rút về nước sau khi đã triệt phá thành, đánh tan viện binh của giặc.
   Lý Thường Kiệt, vị tướng duy nhất trong lịch sử Việt Nam đã có chiến lược tấn công để phòng ngự và ông đã thành công khi chỉ huy quân dân Đại Việt đánh tan âm mưu xâm lược của kẻ địch ngay từ trong trứng nước để bảo vệ đất nước. Và trong cuộc chiến đấu để tự vệ ấy, ông đã lấy đất Vạn Ninh làm nơi tập kết thuỷ quân. Người Vạn Ninh tự hào vì điều ấy và để tưởng nhớ công lao ông, sau này, nhân dân xã Vạn Ninh, châu Vạn Ninh đã xây dựng đình và tôn Lý Thường Kiệt làm thành hoàng làng và phối thờ cùng các vị thành hoàng khác ở trong đình.
    Đình Vạn Ninh có diện tích gần 200m2, có bố cục hình chữ Đinh (J), gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, chung quanh diềm mái trang trí dải cánh sen đã cách điệu. Hệ thống vì kèo của đình được thiết kế theo kiểu giá chiêng chồng rường, được chạm trổ, ghép mộng chắc chắn. Đình có 32 cây cột gỗ được kê trên đá tảng, trong đó có 12 cây cột cái có đường kính 45cm, 20 cây cột quân có đường kính 35cm. Đình Vạn Ninh nằm trong cụm di tích còn miếu, đài tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Văn Thủ. Công trình hiện nay mới được phục dựng lại năm 2006-2007 sau một giai đoạn dài bị phá huỷ, hư hỏng nặng vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan. Vừa qua, đình Vạn Ninh đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh năm 2011.
    Từ xưa tới nay, đình luôn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh cộng đồng làng xã của xã Vạn Ninh nói riêng, của nhân dân châu Vạn Ninh (Móng Cái ngày nay) nói chung. Hàng năm, dân làng Vạn Ninh tổ chức lễ hội đình vào 2 ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch với nhiều nội dung phong phú... Trong đó điểm nhấn quan trọng của lễ hội là nghi lễ rước thần từ khu vực Đồng Hà (còn gọi là gồ Nghênh thần) về đình theo nghi lễ truyền thống mang nhiều nét văn hoá đặc trưng của cư dân vùng đất này. Bên cạnh phần nghi lễ, phần hội cũng có nhiều trò chơi dân gian khá thú vị như: Đá cầu, kéo co, đá bóng v.v.. thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham quan. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, sức khỏe, bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Đồng thời giáo dục ý thức người dân bảo tồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt, hát nhà tơ ở lễ hội đình Vạn Ninh được xem là một trong những cái gốc của nghệ thuật hát nhà tơ, hát cửa đình ở Quảng Ninh, nhiều nghệ nhân Vạn Ninh hiện vẫn đang lưu giữ loại hình hát nghi lễ đặc sắc này. 
Lễ dâng hương của các dòng họ và nhân dân 5 thôn trên địa bàn xã
( Ảnh: Baoquangninh)
    Vùng đất Vạn Ninh ngoài đình Vạn Ninh còn rất nhiều dấu tích lịch sử văn hoá có giá trị như di tích khảo cổ tiền sử Thoi Giếng, gò Bà Mừng, gò Bảo Quế; di tích khảo cổ lịch sử như: Bến Vân Đồn, bến Thoi Sành, Dạ Vạt, gò Sim, gò Gai; di tích chùa Lũi, miếu thờ công chúa Lý Công Hoa, di tích cách mạng kháng chiến Hoàng Văn Thủ, Lê Thị Oanh... Điều đó cũng cho ta thấy sự tồn tại và phát triển của vùng đất Vạn Ninh là liên tục hàng nghìn năm lịch sử. Với những giá trị ấy, những di tích này nếu được tôn tạo, phát huy tốt sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh hơn trong tương lai.
 Trung tâm TTXTDL biên tập

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862