Du lịch Biển Đảo

Du lịch Biển Đảo

Hang Tiên Ông – Chứng tích của những giá trị văn hóa cổ

   Không chỉ là một hang động với những kỳ tác của thiên nhiên như những hang động khác trên vịnh, hang Tiên Ông còn là nhân chứng sống cho một nền văn hóa của người Việt cổ tại Hạ Long. Nơi đây có một khu trưng bày khảo cổ về những di vật của người tiền sử, chứng minh sự sống đã tồn tại ở ngoài khơi xa từ hàng nghìn năm trước.
Hang Tiên Ông thuộc tuyến tham quan số 3 Vịnh Hạ Long
   Hang Tiên Ông nằm ở trung tâm hòn Cái Tai, thuộc dãy đảo hang Trai phía Nam Vịnh Hạ Long, cách Hạ Long khoảng 20 km về phía Nam, cách đảo Cát Bà Hải Phòng khoảng 5-7 km về phía Đông.
   Di tích đã được nhà khảo cổ học người Thụy Điển  J.G Anderson phát hiện vào đầu năm 1938 và đặt tên cho hang là Hang Đục và mô tả rằng đó là một hang rất rộng và đẹp nằm trên một hòn đảo nhỏ có tên là đảo Hang, ở phía bắc của đảo Thống Nhất (Union), trên vịnh Bái Tử Long. Niên đại cụ thể của di tích cũng không thấy Anderson xác định trong báo cáo. Sau phát hiện và khai quật của Anderson, nhà khảo cổ học Quảng Ninh Hà Hữu Nga một lần nữa đã đặt chân đến Hang Đục vào năm 1997. Nhưng lúc này, Hang Đục lại được gọi phổ biến là Hang Tiên Ông (hay còn có tên khác là hang Rền), đảo Thống Nhất được gọi là đảo Hang Trai, và quan trọng hơn khu vực này bây giờ là vịnh Hạ Long chứ không phải là vịnh Bái Tử Long. Chính những khác biệt về tên gọi ấy đã khiến nhà khảo cổ giàu kinh nghiệm như Hà Hữu Nga, dù đang đứng trên Hang Đục, mà cứ đinh ninh rằng đã phát hiện ra một di tích mới. Vì thế, trong công trình Hạ Long thời tiền sử viết chung với Nguyễn Văn Hảo, ông đã không mảy may nghi ngờ khi xếp Hang Đục và Hang Tiên Ông là 2 địa điểm khác nhau trong tổng số 25 di tích thuộc văn hoá Soi Nhụ.  Sau quá trình kiểm tra và so sánh bằng nhiều hình thức khác  nhau thì đã được khẳng định Hang Đục chính là hang Tiên Ông.
   Hang Tiên Ông nằm trên độ cao 5m so với mực nước biển, có cửa vào rộng tới 50m, chiều dài của hang khoảng 156m (không quá dài so với các động lớn khác trên vịnh), chia làm 2 phần ngăn cách bởi khối thạch nhũ lớn giữa động. Phía trong động có 3 măng đá giống hình ảnh của 3 ông Tiên với khuôn mặt phúc hậu, râu tóc dài nên người dân quanh vùng gọi tên động là Tiên Ông.
   Hang Tiên Ông là nơi cư ngụ của người Việt Cổ cách đây hàng nghìn năm. Trong hang đã tìm được những di vật như đồ đá, đồ xương và đồ gốm. Đồ đá chủ yếu là đá vôi với những chiếc rìu, lao, mũi nhọn, bên cạnh đó còn có cả cuội, thạch nhũ để chế tác công cụ. Dù không nhiều nhưng đã cho thấy tính năng động trong ứng xử với thiên nhiên để thích nghi với môi trường của cư dân động Tiên Ông thời tiền sử. Nơi đây có thể xem là tiền đề quan trọng cho các nền văn hóa biển nối tiếp ở giai đoạn sau phát triển như: văn hóa Cái Bèo, văn hóa Hạ Long.
Khu trưng bày các di vật và hình ảnh trưng bày  tại cửa hang Tiên Ông
Phát hiện, khai quật di khảo cổ hang Tiên Ông 1938
   Di tích khảo cổ hang Tiên Ông lần đầu tiên được nhà địa chất – khảo cổ học người Thụy Điển J.G Anderson  phát hiện vào năm 1938 và đặt tên hang là hang Đục. Vào năm 1938 J.G Anderson mở ba hố khai quật một hố lớn diện tích khoảng 30 m2, nằm gần trung tâm cửa hang; hai hố nhỏ diện tích mỗi hố khoảng 2 m2, trong đó một hố ở sát vách bên trái hang, còn một hố nằm gần hố lớn. Ông phát hiện một số lượng di vật và phần lớn đã mang về Thụy Điển, còn một sưu tập khoảng hơn 20 hiện vật được lưu giữ tại bảo tàng Louis Finot ( nay là Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam). Đặc biệt J.G Anderson đã phát hiện được một khối lượng trầm tích vỏ nhuyễn thể là ốc nước ngọt, trên hang động ở những hòn đảo giữa biển khơi . Ông đã hỏi những người dân làng chài nhưng dường như không ai biết về những đống vỏ ốc bí ẩn đó. Ở vùng này không ai bắt các loài ốc nước ngọt ấy và cũng không ai ăn chúng. Khi chưa có lời giải đáp thỏa đáng, cuối cùng ông cũng phải đưa ra một lời kết: “ Còn cả mớ những câu đố lý thú đang chờ người lý giải”.
Khảo sát, nghiên cứu hang tiên ông năm 1997
    Năm 1997, nhà khảo cổ học Hà Hữu Nga tiến hành khảo sát nghiên cứu di tích khảo cổ hang Tiên Ông. Ông viết: “ Hang này nằm trên hòn đảo đá mà theo hình vẽ của J.G Anderson  thì rất giống với hang mà ông gọi là hang Đục... Đối với nhà khảo cổ học thì điều lý thú và gây ấn tượng mạnh nhất là ở hang này có một khối lượng tích tụ vỏ nhuyễn thể nước ngọt Melania khổng lồ lên tới hàng trăm m3. Có điều đáng tiếc , nhưng lại là đặc trưng của loại hình này là sự hiếm hoi của các công cụ ghè đẽo. Trên bề mặt hang chúng tôi nhặt được 5 công vụ rất cổ và thô sơ. Chúng được ghè đẽo rất qua loa vì thế mà không định hình được về cả hình dáng lẫn kỹ thuật. Trong số đó có hai công cụ gợi lại loại hình công cụ cuội Sơn Vi, được chặt bẻ và ghè đẽo 2/3 viên cuội. Kỹ thuật ghè đẽo là ghè một mặt, kết hợp với đạp bẻ cuội. Trong số các công cụ cuội thấy có một hòn kê. Các ốc vỏ nước ngọt thì khá to, có lẽ là to nhất so với tất cả những tập hợp các vỏ ốc nước ngọt ở những hang khác nhau và đều bị đập đít”. Hà Hữu Nga đã xếp hang Tiên Ông là một trong 25 di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Soi Nhụ.
Nghiên cứu, khai quật di tích khảo cổ hang Tiên Ông năm 2007
    Năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ( nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh tiến hành nghiên cứu, khai quật di tích khảo cổ hang Tiên Ông. Đoàn đã mở 4 hố khai quật, 1 hố thám sát vói tổng diện tích 42 m2, thu được trên 2 tấn vỏ nhuyễn thể cùng một khối lượng xương động vật, trong đó nhuyễn thể nước ngọt chiếm 95-97%, còn lại là nhuyễn thể biển; 137 hiện vật chất liệu đá; 2 công cụ mũi nhọn chất liệu xương; 163 mảnh gốm chủ yếu gốm thô, văn thừng kếp hợp ấn lõm.
    Theo kết quả khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học: hang Tiên Ông chính là một trong  những điểm cư trú, sinh sống của người Việt cổ thuộc giai đoạn sơ kì đá mới, với nền văn hóa Soi Nhụ Trên Vịnh Hạ Long. Di tích có niên đại cách ngày nay khỏang từ 8.000 – 10.000 năm, thuộc giai đoạn Hòa Bình – Bắc Sơn nổi tiếng của Việt Nam.
    Cấu trúc địa chất động Tiên Ông chia làm 6 ngăn chính, tuy nhiên cách phân chia 6 ngăn này chỉ có giá trị với địa chất học, còn với du khách chủ yếu vẫn là chia theo 2 phần chính theo trực quan để dễ phân biệt. Trên nền động ngổn ngang những khối đá với hình thù chưa hoàn chỉnh, đây là những khối đá đổ sập từ trần động xuống trong quá trình chấn động địa chất nơi đây. Các khối đá vôi, các khối măng nhũ kỳ dị là kết quả của quá trình nứt vỡ, đứt gãy địa chất qua hàng triệu năm mà hiện nay vẫn còn tiếp diễn.
Các khối thạch nhũ vẫn trong quá trình hình thành do có nước chảy từ trần hang xuống
   Hang Tiên Ông Vịnh Hạ Long không chỉ là một hang động với những kỳ tác của thiên nhiên như những hang động khác trên vịnh, hang Tiên Ông còn là nhân chứng sống cho một nền văn hóa của người Việt cổ tại Hạ Long. Tới tham quan nơi đây, du khách vừa được chiêm ngưỡng các nhũ đá lung linh rực rỡ với nhiều hình thù ngộ nghĩnh, vừa được tìm hiểu về khu vực khảo cổ trong hang.
Trung tâm TTXTDL Quảng Ninh

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862