Lịch lễ hội và sự kiện Quảng Ninh

Lịch lễ hội và sự kiện Quảng Ninh

Lễ hội Trà hoa vàng lần thứ III sẽ diễn ra từ ngày 26 – 27/12/2020 tại huyện Ba Chẽ

     Lễ hội Trà hoa vàng lần thứ 3 gắn với đón nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà và Lễ hội Bàn Vương năm 2020 sẽ được diễn ra trong 2 ngày là 26 và 27/12/2020 tại huyện Ba Chẽ.
Hội Trà hoa vàng; Lễ đón nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà và Lễ hội Bàn Vương năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 26 – 27/12/2020 với nhiều hoạt động hấp dẫn
     Trong đó, chương trình khai mạc Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần thứ III và Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà sẽ được diễn ra vào lúc 20h ngày 26/12/2020, tại sân tổ chức Lễ hội của Di tích Miếu Ông- Miếu Bà.
     Trong ngày khai hội sẽ trưng bày 185 cây trà đẹp nhất được lựa chọn từ các trang trại, rừng trà, vườn trà trên địa bàn huyện, cùng các gian hàng sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của các địa phương với hơn 20 gian hàng, du khách sẽ được mua các sản phẩm OCOP và sản vật truyền thống của các địa phương trong tỉnh.
     Điểm nhấn của Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ năm nay là việc công bố về công dụng của các hoạt chất có trong Trà hoa vàng do các chuyên gia Hà Lan cùng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KHCN Việt nam nghiên cứu.
Chè hoa vàng là loại thực vật đặc trưng của vùng đất Ba Chẽ và có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
     Nhân dịp này, huyện Ba Chẽ cũng trang trọng tổ chức lễ đón nhận Di tích cấp quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà. Đây là di tích thuộc xã Nam Sơn, cách cầu Ba Chẽ gần 1km. Di tích Miếu Ông gắn liền với sự kiện Vua Trần Nhân Tông, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn khi tạm lánh ở sông Ba Chẽ đầu năm 1285 để chuẩn bị chiến đấu chống giặc Nguyên Mông lần 2. Đối diện với Miếu Ông bên kia sông là Miếu Bà, thờ Mẫu Thượng Ngàn (bà chúa của rừng xanh). Hằng năm, vào ngày 1/3 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà. Điểm độc đáo của lễ hội là tục rước nước từ sông Ba Chẽ về thực hiện lễ Mộc dục (lễ tắm tượng). Bên cạnh đó, có lễ rước bài vị Tả tướng quân Lê Bá Đức, lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương, bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân đã có công với nước.
Di tích Miếu Ông – Miếu Bà nằm bên bờ sông Ba Chẽ
     Ngay sau ngày khai mạc Hội Trà hoa vàng, Lễ hội Bàn Vương – một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao cũng sẽ được phục dựng vào ngày 27/12.
     Lễ hội Bàn Vương năm nay với chủ đề “Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển” sẽ tái hiện lại hành trình “Vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới trên 12 con thuyền tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao… để lập nghiệp; nghi lễ tưởng nhớ công ơn ông tổ Bàn Vương – thuỷ tổ của người Dao; các hoạt động cộng đồng, văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian các dân tộc và đặc biệt là sự quy tụ của rất nhiều nhóm dân tộc Dao ở nhiều địa phương khác như: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ…
Nghi lễ nhảy lửa lần đầu tiên sẽ được trình diễn tại Lễ hội Bàn Vương năm nay, tại khu vực Miếu Ông - Miếu Bà. (Nguồn ảnh: baoquangninh)
     Hội Trà hoa vàng 2020 là dịp tôn vinh, quảng bá, truyền thông về sản phẩm Trà hoa vàng và các sản phẩm đặc hữu của vùng đất Ba Chẽ với nguồn tài nguyên vô tận; khẳng định và giới thiệu giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh của Di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà. Đồng thời, quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng; các dân tộc huyện Ba Chẽ nói chung như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách hãy đến với Ba Chẽ - một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn.
Trung tâm TTXTDL biên tập

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862