Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Linh thiêng Am Ngọa Vân

     Gắn liền với quá trình tu hành và hoá Phật của vua Trần Nhân Tông, Ngoạ Vân giờ đây không còn là cái tên xa lạ với nhiều người dân, du khách. Đến với nơi đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên mà còn được chiêm bái quần thể gồm 4 khu với 15 cụm chùa, tháp... hùng vĩ hiếm có.
Am Ngọa Vân là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (Nguồn ảnh:baoquangninh)
     Quần thể chùa, am Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê (Đông Triều). Ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía trước có ngọn núi nhỏ làm án, phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm uốn quanh.
     Theo sử liệu, tháng 8/1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh. Sau thời gian tu hành khổ hạnh, ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dạy dân chúng từ bỏ mê tín, ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Tháng 5/1307, ngài lên tu tại một am nhỏ trên ngọn Ngọa Vân, núi Bảo Đài. Ngày mồng 1 tháng 11 âm lịch năm 1308, ngài nhập niết bàn. Vị trí đó chính là am Ngọa Vân ngày nay.
Trong hành hành trình tu luyện và nhập diệt, Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của ngài. Sau khi ngài hóa Phật, đệ tử là Pháp Loa tổ chức hỏa thiêu thân xác ngài ngay tại Ngọa Vân, thu được hàng nghìn viên xá lỵ và ngọc cốt.
     Sau khi hỏa thiêu, xá lợi của Phật Hoàng được phân phát và tôn trí ở nhiều nơi khác nhau. Còn tại Ngọa Vân, Pháp Loa cho xây dựng Phật Hoàng tháp để lưu giữ một phần xá lợi của Ngài, tảng đá nơi ngài nhập diệt cũng được lưu giữ lại để thờ cúng.
Tượng voi đá, tháp đá tại Ngọa Vân được bảo tồn, giữ gìn được giá trị nguyên sơ của di tích (Nguồn ảnh: Trung tâm TTVH Đông Triều)
     Sau khi Phật Hoàng hóa Phật, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái Trúc Lâm, thánh địa Ngọa Vân đã được Pháp Loa, người nối dòng của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng và mở rộng thành một quần thể lớn. Dưới sự hỗ trợ của Thượng hoàng Trần Anh Tông, Pháp Loa đã xây dựng Ngọa Vân từ chỗ chỉ là một am nhỏ trở thành một quần thể chùa tháp. Các nghiên cứu khảo cổ học ở đây đã chứng minh, vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIV Ngọa Vân đã trở thành một quần thể lớn gồm nhiều cụm, điểm công trình được xây dựng bao quanh đỉnh Ngọa Vân ở phía Nam của núi Bảo Đài (nay thường gọi là núi Vây Rồng) gồm: cụm Am – Tháp; chùa Chính; cụm Thông Đàn – Đô Kiệu; Khu Ngọa Vân 1 và 2. Khu chùa chính được xây mới và mở rộng ở phía ngoài, khu am được mở rộng thành khu am – tháp và là nơi thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, còn tháp Phật Hoàng chính là nơi lưu giữ xá lợi của Ngài.
     Trải qua thời gian, những biến thiên của lịch sử, phần lớn kiến trúc chùa tháp trong quần thể di tích Ngọa Vân đã bị phá hủy. Những năm gần đây, nhờ sự hảo tâm đóng góp, sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, quần thể di tích Ngoạ Vân, thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo từ tháng 2/2014, xứng đáng là miền Thánh địa. Những hạng mục quan trọng nhất được bảo tồn, tôn tạo như: Am Ngọa Vân, tháp Phật hoàng và tháp Đoan Nghiêm.
Hùng vĩ và linh thiêng Ngọa Vân (Trung tâm TTVH Đông Triều)
     Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, khu di tích Ngọa Vân còn là một nơi có khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ và tuyệt đẹp. Nằm trong khu vực vòng cung Đông Triều, Ngọa Vân như được bao bọc, ôm ấp bởi những ngọn núi xanh mướt, trùng trùng điệp điệp. Thảm thực vật nơi đây gần như còn nguyên vẹn với rất nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Đến với Ngọa Vân, người ta có dịp được chiêm người những cây thông trăm tuổi, những rừng trúc bạt ngàn, những ngọn núi hùng vĩ mà hiếm nơi nào có được.
Mây phủ trên đỉnh Ngọa Vân khiến du khách như lạc vào chốn bồng lai (Nguồn ảnh: baoquangninh)
     Hành hương lên đỉnh Ngọa Vân, thắp một nén nhang chiêm bái Phật hoàng rồi bước ra sân tiền đường, cả một vùng núi non tuyệt đẹp nằm xen lẫn trong mây trắng mở ra trước mắt như một bức tranh thủy mặc. Đó là lúc con người ta như được trở về với tất cả những gì đẹp đẽ, nguyên sơ nhất trong tâm hồn. Cũng là món quà mà đất Phật Ngọa Vân ban tặng cho mỗi người.
Trung tâm TTXTDL biên tập

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862