Lễ hội & Sự kiện

Lễ hội & Sự kiện

Thái Miếu (Đông Triều, Quảng Ninh) lần đầu mở hội…

Vàng son trở lại Thái Miếu nơi quê gốc nhà Trần. Đó có lẽ là cảm nhận của nhiều người dân, du khách khi trảy hội xuân Thái Miếu vừa diễn ra những ngày qua tại ngọn đồi Đình – nơi có mặt bằng hình ông cá thiêng (linh ngư) nằm giữa một vùng đồng ruộng, đồi núi cây trái xanh tươi của xã An Sinh, TX Đông Triều, Quảng Ninh…

Khôi phục di tích

Nghi lễ rước nước được tổ chức trang trọng, hoành tráng. Ảnh: Thanh Tùng (CTV)

Công trình Thái Miếu nay đã hoàn thiện khang trang, chính thức khánh thành giai đoạn 1 vào tiết xuân năm 2018, sau hơn 3 năm thi công, với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách và xã hội hoá trị giá gần 70 tỷ đồng (tổng mức đầu tư dự án là 103,9 tỷ đồng). Trên một không gian rộng lớn hơn 16.000m2 của ngọn đồi Đình, các hạng mục đã hoàn thành gồm có nhà Thái Miếu và phần nội thất thờ tự; nhà khách, thủ từ; am hóa vàng; nhà quản lý, dịch vụ và các công trình phụ trợ; hệ thống sân vườn; bãi đỗ xe và các hạng mục hạ tầng khác.

Thái Miếu được bố cục kiểu chữ Công, làm bằng gỗ nhóm I, mái lợp ngói mũi sen, nền lát gạch bát, chân tảng được chế tác bằng đá xanh nguyên khối. Hình thức kiến trúc, bài trí thờ tự được thiết kế phỏng dựng theo lối kiến trúc thời Trần. Mùa xuân năm nay, vườn mai vàng Yên Tử trồng ngay lối đi chính đón du khách về tham quan, trẩy hội đã trổ bông vàng rực xen giữa màu xanh mướt của lộc non, cho du khách cảm nhận một sức sống tươi mới đã trở lại trên di sản của tiền nhân…

Không gian Thái Miếu sau tu bổ, tôn tạo đã phủ màu xanh mát, rực rỡ sắc hoa mai vàng. Ảnh: Phan Hằng

Nay thì nhiều người đã biết, Thái Miếu là công trình được xây dựng từ thời Trần, vào khoảng đầu thế kỷ XIII, sau khi Trần Thái Tông lấy vùng đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang ban cho Trần Liễu làm đất thang mộc. Sau khi An Sinh vương Trần Liễu mất, sang đầu thế kỷ XIV, từ Tiên Miếu (nơi thờ tổ tiên), nơi đây dần trở thành Thái Miếu (nơi thờ cúng của cả hoàng tộc). Càng về sau, quy mô kiến trúc của công trình càng được mở rộng hơn.

Theo nghiên cứu, khai quật khảo cổ học di tích, các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống dấu vết nền móng của 39 công trình kiến trúc thời Trần, được xây dựng qua 3 giai đoạn khác nhau, gồm: Mặt bằng kiến trúc Thái Miếu, sân vườn, bậc tam cấp và đường đi… Điều đặc biệt hơn cả là các công trình giai đoạn sau có cấu trúc mặt bằng hình chữ Vương và là Thái Miếu có mặt bằng hình chữ Vương còn nguyên vẹn nhất trong các kiến trúc thời Trần được tìm thấy cho đến nay…

Đoàn rước nước kéo dài, tạo không gian rực rỡ sắc màu trên dọc tuyến rước.

Ảnh: Thanh Tùng (CTV)

Công trình đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử. Huy hoàng ở thời Trần nhưng vào thời Lê sơ, Thái Miếu bị giặc Minh tàn phá, sau lại được nhà Lê đầu tư tôn tạo. Sang thời Nguyễn, công trình đã bị đổ nát hoàn toàn nên nhân dân địa phương đã xây dựng lại theo kiến trúc một ngôi đình làng, tôn các vị vua Trần lên làm Thành hoàng làng. Ngôi đình này hiện vẫn còn với quy mô nhỏ trên nền kiến trúc gốc vốn chỉ còn lại dấu vết nền móng dưới lòng đất, nằm giữa khu vườn trồng vải thiều. Thái Miếu hiện nay nằm lùi về phía sau, với mục tiêu sau này sẽ tiếp tục bảo tồn mặt bằng kiến trúc gốc phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghiên cứu và giáo dục di sản cho các thế hệ…

Xây dựng lễ hội

Sau khi khôi phục di tích – không gian thờ tự và tổ chức các nghi lễ, TX Đông Triều đã xúc tiến việc xây dựng lễ hội Thái Miếu, nhằm bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống trong nghi thức thờ phụng các vua Trần và tri ân công đức nhà Trần – một triều đại thịnh trị cả về văn trị, võ công trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là một trong 3 lễ hội có quy mô cấp thị xã của Đông Triều, sẽ được tổ chức thường niên từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng hằng năm, gắn với ngày giỗ của Trần Thừa…

Thực hiện nghi lễ đọc chúc văn khai hội Thái Miếu nhà Trần. Ảnh: Phan Hằng

Năm nay, lễ hội dù diễn ra lần đầu tiên nhưng được sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học cũng như người dân, du khách  về tham gia lễ hội. Trong 3 ngày (từ 22 đến hết 24/2), các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, như: Lễ tế mở cửa đền, rước nước, lễ mộc dục, tiến vua, giỗ Đức Thái tổ Trần Thừa…

Đặc biệt là nghi lễ rước nước được tổ chức hoành tráng khi huy động các thuyền rồng với sự tham gia của khoảng 1.000 người dân ở 10 xã, phường khu vực phía Tây của thị xã. Đoàn rước với các nghi thức trang nghiêm, rực rỡ sắc màu trải suốt tuyến đường kéo dài khoảng 500m từ Thái Miếu tới hồ Trại Lốc 2, nơi có lăng mộ vua Trần Anh Tông nằm giữa hồ, lấy nước về để thực hiện nghi thức mộc dục (tắm tượng), tạo ấn tượng rất đặc biệt cho người dân, du khách. Phần hội sinh động với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, như: Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa xã An Sinh, hội cờ xuân, giao lưu cờ cây, kéo co, tung còn, đi cầu kiều, đu quay, đập niêu, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum…





Sinh động các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian trong lễ hội.

Lễ hội Thái Miếu đã khép lại nhưng dư âm đẹp vẫn còn đọng lại. Mùa xuân, du khách hành hương về với quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều với đền An Sinh, am – chùa Ngoạ Vân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, hệ thống lăng mộ các vua Trần chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục ghé thăm Thái Miếu để dâng hương, tri ân công đức các vua Trần và nhớ về một thời vàng son năm xưa của di sản, nay đã và đang được tôn tạo, phát huy, trở thành một điểm nhấn trong tuyến du lịch văn hóa tâm linh của thị xã cửa ngõ Đông Triều nói riêng, Quảng Ninh nói chung.

Nguồn: www.qtv.vn

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862