Du lịch sinh thái cộng đồng

Du lịch sinh thái cộng đồng

Ba Chẽ (Quảng Ninh) – Miền đất du lịch mới

      Huyện Ba Chẽ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Trung tâm TP Hạ Long khoảng 80km. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số của huyện, bao gồm các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan, Hoa, Mường, Kinh…
     Đến Ba Chẽ, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bình yên từ những bản làng nằm dưới các chân núi, những thác nước mang đậm vẻ hoang sơ như Thác Khe Lạnh, thác Khe Lùng, từ sự thân thiện gần gũi của đồng bào các dân tộc cùng những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà, Lễ hội Đình Làng Dạ.
Quang cảnh di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà nằm ở hai bên sông Ba Chẽ.
Đường đến Ba Chẽ:
* Từ Hà Nội: Du khách di chuyển theo cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn rẽ về hướng TP Móng Cái theo Quốc lộ 18A (hoặc di chuyển theo Quốc lộ 18A hướng Hà Nội – Móng Cái) khoảng 15km, đến Ngã ba cầu Ba Chẽ, rẽ trái 10km là đến Trung tâm Thị trấn Ba Chẽ.
* Từ Móng Cái: Du khách di chuyển theo QL18A hướng Móng Cái – Hà Nội, đến Ngã ba cầu Ba Chẽ, rẽ trái 10km là đến Trung tâm Thị trấn Ba Chẽ.
Những điểm du lịch và các lễ hội ở huyện Ba Chẽ:
     Ba Chẽ có nhiều thác nước đẹp, đậm nét hoang sơ như Thác Khe Lạnh, Thác Khe Lùng, Thác Tài Lọ, Thác dài Lang Cang… Những thác nước ở đây mang đậm vẻ đẹp hoang sơ. Du khách đi tham quan thác không nên đi 1 mình, phải sử dụng giày, dép có khả năng bám và chống trơn trượt. Trong mọi trường hợp, không được nhảy từ trên cao xuống vụng nước.

Thác Khe Lạnh.
     Đình Làng Dạ thuộc xã Thanh Lâm. Đình xây dựng vào cuối thế kỷ 19, thờ thành hoàng làng. Trải qua chiến tranh, đình nhiều lần bị tàn phá chỉ còn là phế tích. Đình được khởi công khôi phục vào năm 2009, để bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ cách mạng. Lễ hội Đình Làng Dạ diễn ra vào ngày 09-10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Lễ rước kiệu Thần Hoàng Làng tại lễ hội Đình Làng Dạ.
      Di tích Miếu Ông – Miếu Bà nằm ở hai bờ sông Ba Chẽ, thuộc xã Nam Sơn. Miếu Ông nằm bên phải bờ sông, thờ các vị vua Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, và phối thờ thành hoàng làng “thần tam trĩ”. Miếu Bà nằm bên trái bờ sông, trên núi Cái Tăn, là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn tức bà chúa rừng xanh. Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà được tổ chức vào ngày Mồng 1 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Điểm độc đáo của lễ hội là tục rước nước từ sông Ba Chẽ về Miếu Ông để làm lê mộc dục (lễ tắm tượng). Năm 2020, di tích Miếu Ông – Miếu Bà được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà năm 2020.
     Trang trại Trà hoa vàng nằm trên một quả đồi thuộc xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ phía Nam trang trại giáp với sông Ba Chẽ. Theo các nghiên cứu, trà hoa vàng là thức uống có tác dụng phòng, chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường. Lễ hội Trà Hoa vàng được huyện Ba Chẽ tổ chức vào tháng 01 dương lịch hàng năm.
Trà hoa vàng Ba Chẽ.
     Chợ Trung tâm Ba Chẽ nằm bên bờ sông Ba Chẽ, là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc Ba Chẽ. Chợ đông đúc và sôi động nhất là vào các ngày Mồng 1, Rằm hàng tháng. Những ngày này, đồng bào các dân tộc xuống chợ mua bán nông sản, gặp gỡ bạn bè…trai gái xuống chợ tìm bạn giao duyên. Đến chợ, du khách có thể mua được những đặc sản địa phương như măng nứa, măng mai, mật ong, sâm cau, cá suối, cà ra…
     Di tích Lò Sứ Cổ nằm trên một khu đồi thấp bên bờ sông Ba Chẽ, thuộc thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 15km. Lò Sứ Cổ được xây dựng từ thế kỷ 19 theo kiểu lò rồng, bao gồm đầy đủ hệ thống chế tác đồ sứ như: khu chế biến nguyên liệu, dãy bể ngâm nguyên liệu, sân tập kết,…
     Đình Đông Chức thuộc thôn Đồng Chức, xã Lương Mông. Đình thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão và các tiền nhân đã có công lập nên xã Lương Mông ngày nay. Lễ hội Đình Đông Chức diễn ra vào tháng Giêng và tháng 12 âm lịch hàng năm.
     Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội lớn ở Ba Chẽ, được tổ chức từ 23 đến 26 tháng Giêng Âm lịch hàng ăm. Lễ hội thể hiện sự cầu mong về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ của những cư dần trồng lúa nước.
Thi cấy tại Lễ hội Lồng Tồng.
     Lễ hội Bàn Vương được tổ chức vào Mồng 1 Tháng 2 Âm lịch hàng năm tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn để tưởng nhớ Bàn Vương – ông tổ của người Dao, có công dạy cách săn bắt, hái lượm, dệt vải, trồng lúa nương. Lễ hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa đặc trưng như: Nhảy lửa, múa kadong, múa rùa,…
Nhảy lửa tại Lễ hội Bàn Vương.
     Ẩm thực Ba Chẽ: nổi tiếng với các món ăn truyền thống được đồng bào dân tộc nơi đây chế biến từ các sản vật địa phương như cá suối, ốc khe, xôi ngũ sắc, măng mai, khau nhục…
Trung tâm TTXTDL Quảng Ninh

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862