Chùa Hồ Thiên tên chữ là Trù Phong Tự, nằm ở phía nam núi Phật Sơn, xưa thuộc xã Phú Ninh, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa nằm trên lưng chừng núi Trù Phong, ở độ cao 580m so với mặt nước biển, phía nam núi Phật Sơn (thuộc dãy Yên Tử), phía sau và hai bên chùa đều có núi bao bọc, phía trước có đồi tạo thành một vùng phúc địa ở giữa mà theo thuật phong thủy đó là “ tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án.”
Chùa Hồ Thiên được tổ Pháp Loa cho xây dựng vào năm 1327
Chùa Hồ Thiên được Pháp Loa – Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng vào năm 1327. Tương truyền, Hồ Thiên là nơi các vị cao tăng tu luyện sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tại Quỳnh Lâm viện. Tên gọi Hồ Thiên bắt đầu từ truyền thuyết cho rằng: trên đỉnh núi có hồ nước (hồ trên trời), trên đó hàng năm có đôi hạc trắng thường xuyên bay về với câu ca: “Hoa sen lúc nở lúc tàn, đôi chim hạc trắng thanh nhàn tiêu dao”. Thực tế, trên núi không có hồ nước mà chữ “Hồ” ở đây có nghĩa là hội tụ và chữ “Thiên” là trời. Hồ Thiên ở đây là nhằm chỉ cảnh vật cõi tiên để ca ngợi cảnh đẹp nơi Hồ Thiên được xây dựng.
Dưới thời Lê Trung Hưng, cùng với các chùa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, chùa Hồ Thiên được triều đình nhà Lê cho đại trùng tu, tôn tạo. Để xây dựng lại chùa có qui mô to lớn như dấu vết hiện còn, triều đình đã huy động sức dân ở 5 huyện Giáp Sơn, Thủy Đường, Đông Triều, Kim Thành và Thanh Hà. Trong lần đại tu này, các công trình đã được xây mới gồm: Chùa chính, Nhà tăng, Nhà tổ, Vườn tháp và Nhà bia.
Khu vườn tháp chùa Hồ Thiên.
Kể từ khi được tôn tạo đến nay, đã hơn 3 thế kỷ trôi qua, do thiếu bàn tay chăm sóc tôn tạo của con người nên chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng khu thánh địa linh thiêng nguyên sơ này đang được tích cực tôn tạo, nhằm trả lại những giá trị vốn có của nó.
Từ năm 2002, được các cấp chính quyền cho phép, sư thầy Thích Trí Thông đã về tu hành, chăm sóc phần mộ của các thế hệ trước. Sự hiện diện của các di vật kiến trúc văn hóa độc đáo còn lưu lại trên vùng đất này vẫn toát lên những giá trị đặc sắc mà trải qua thời gian và năm tháng vẫn trường tồn cùng lịch sử. Các dấu tích kiến trúc và những hiện vật quý giá còn lưu lại ở đây là những bằng chứng quý giá giúp chúng ta có cơ sở khoa học để trùng tu, tôn tạo di tích trong tương lai.
Vẻ hoang sơ của chùa Hồ Thiên
Phía sau và hai bên chùa đều có núi bao bọc, phía trước có đồi tạo thành một vùng phúc địa ở giữa. Từ dưới chân núi, mất khoảng 40 phút leo qua các bậc đá lát, khung cảnh chùa Hồ Thiên hiện ra trước mắt du khách mộc mạc và bình yên.
Hồ Thiên tự được biết đến chính là một “danh lam cổ tự đẹp nhất ở miền Đông thổ…” . Thế rồi ta như thấy được cũng chính với lớp phủ của lá cây rừng theo năm tháng cũng đã dày lên. Nhưng dường như tất cả các công trình kiến trúc vẫn còn giữ nguyên phần tường xây, hay đó có cả nền chùa và chân tảng.
Bảo tháp 7 tầng tại chùa Hồ Thiên với kiến trúc mang dấu ấn đặc trưng của tháp đá thế kỷ XVII
Các hiện vật ở đây còn sót khá nhiều loại chủ yếu bằng chất liệu đá xanh như là các tượng đá, thống đá, các mảnh chạm,…Song, có thể nhận thấy được giá trị tiêu biểu nhất vẫn là hệ thống bia đá.
Tấm bia này cũng đã được đặt ở chính giữa, cao 2,76m (cả bệ), rộng 1,2m. Bia dẹt có mái hình lá đề nhìn cũng thật độc đáo. Và cũng không hề quá khi người ta nói những tấm bia này chính là một công trình, một tác phẩm đạt đến độ tuyệt mỹ với những chạm khắc tinh xảo nhất. Nhìn chung các tấm bia nơi đây thì đều ca ngợi công đức của chúa Trịnh khi trùng tu ngôi chùa này. Hay nói đôi chút về lịch sử, xuất xứ của ngôi chùa,…
Khách tham quan tấm bia đá, dấu tích duy nhất còn nguyên vẹn
Đầu năm 2020, khu vườn tháp được trùng tu với nhiều hạng mục quan trọng như: tháp lục giác 9 tầng bằng chất liệu gốm đất nung với chiều cao hơn 8m, các hoa văn họa tiết trang trí xung quanh tháp theo mẫu gốm đất nung thời Trần; các tháp đá được phục dụng mới bằng đá xanh mịn không vân thớ; đường kết nối giữa sân nhiễu các tháp với nhà tổ và khu nhà thất được lát đá theo lối cổ.Du khách đến đây sẽ không chỉ được lễ Phật mà còn được hòa mình trong không gian chốn cảnh Phật, cõi tiên.
Tháp lục giác 9 tầng bằng chất liệu gốm đất nung với chiều cao hơn 8m
Chùa Hồ Thiên là một trong 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều đang dần được hồi sinh. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hạng, Hồ Thiên là điểm đến du lịch tâm linh tiêu biểu của khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã Đông Triều.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Trung tâm TTXTDL Quảng Ninh