Có thể nói một trong những điều thú vị nhất khi đi du lịch và khám phá thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đó là tham quan các di tích lâu đời và những ngôi cổ tự xa xưa đến mức không ai có thể xác định được niên đại. Trong đó không thể không kể tên ngôi chùa Nam Thọ rêu phong phủ kín, nhưng lại có thể mang lại một cảm giác yên bình, thư thái cho du khách ghé đến.
Tam quan chùa Nam Thọ
Chùa Nam Thọ còn có tên gọi là Chùa Vạn Linh Khánh, hoặc cũng được gọi là chùa Trà Cổ. Toạ lạc tại xã Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, chùa Nam Thọ suốt bao đời nay vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên trong lòng người dân Móng Cái và nay với du khách là điểm tham quan du lịch Quảng Ninh dẫu bình dị, mà thân thương đến lạ lùng.
Theo tư liệu được khắc trên chiếc chuông đồng treo ở cổng Tam quan, chùa Nam Thọ còn có tên chữ là Linh Khánh Tự (Có nghĩa là sự linh thiêng, tốt lành). Niên đại xây dựng chùa Nam Thọ chưa được xác định rõ. Nhưng theo bài minh trên chuông đồng đúc lại vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) có nói vào năm Cảnh Thịnh thứ 15 triều vua Lê Hiển Tông (1754) đã có Linh Khánh Tự. Trải qua bao sóng gió thăng trầm của thời gian, toàn bộ văn bia, am, tháp ở đây đã không còn như trước nữa. Nhưng những hiện vật đồ thờ và tượng pháp còn lưu giữ được khá đầy đủ đến ngày nay cùng với khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cối um tùm bao bọc chứng tỏ ngôi chùa nằm sát biên giới Việt – Trung phải là một công trình tôn giáo chứa đựng bề dày lịch sử và giá trị văn hóa sâu sắc (đã được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI-XVII).
Thông thường, hướng của các ngôi chùa Việt phổ biến nhất vẫn là hướng Nam. Nhưng chùa Nam Thọ dù nằm sát mặt đường (Phía Nam) lại được xây dựng về hướng Bắc. Sự khác biệt này bắt nguồn từ một sự tích rất riêng. Xã Trà Cổ xưa là một đượng cát dài nằm chếch theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Với địa thế này nên mỗi khi thủy triều lên, nước chảy theo hai hướng Đông Bắc và Tây Nam rồi hội tụ lại ở hướng Bắc. Theo tư duy nông nghiệp, nước là nguồn khởi đầu của hạnh phúc. Do nước thường ở thấp nên mang yếu tố âm, còn chùa nằm trên một gò đất cao nên tượng trưng cho yếu tố dương. Âm dương đối đãi sẽ sinh ra muôn loài. Chùa quay về hướng Bắc với kết cấu kiểu chữ Hồi mang ý nghĩa là sự hội tụ của các dòng nước. Đó cũng là lý giải cho tên chữ của chùa (Sự linh thiêng, tốt lành).
Khuôn viên phía trong của chùa Nam Thọ
Về tổng thể chùa được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ ‘hồi’, được chia thành ngôi tam quan, chánh điện, gác chuông, gác trống, nhà tổ, nhà mẫu, nhà sắp lễ, nhà chay, nhà mặn, nhà bếp, cổng phụ. Kiểu bố cục và kiến trúc của ngôi cổ tự này hiếm thấy trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Trải qua những tác động của thời gian, chiến tranh, đến nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu, dấu ấn thời Lê không còn nữa. Nhưng tại đây vẫn còn lưu giữ được một hệ thống tượng gồm 53 pho tượng cổ được bổ sung qua nhiều thời kì và được nhân dân gom góp, đưa từ nhiều chùa khác về. Đáng chú ý nhất là 4 pho tượng Thích Ca sơ sinh, 2 pho tượng Quan Âm Tống tử và 2 pho tượng Tam thế nhỏ. Các loại tượng này có nét chung tạo hình rất đơn giản, trừ khuôn mặt được chạm khắc một cách công phu, tỉ mỉ thì các bộ phận khác đều thô hơn, không đi vào chi tiết và cũng không theo khuôn mẫu nào nhất định. Mặc dù vậy, những bức tượng ở đây vẫn mang đến cho người thưởng lãm một sự say mê đến kỳ lạ. Dù nằm sát biên giới Việt – Trung, cư dân sinh sống có sự giao thoa giữa người Hoa và người Việt. Nhưng những hiện vật đồ thờ, những mảng chạm khắc và hệ thống tượng phật ở đây lại được những bàn tay khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân chạm trổ tạo nên những pho tượng mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Không hề có một chút pha trộn với văn hóa Trung Hoa. Nên có thể coi nơi đây là một “bảo tàng điêu khắc cổ” thu nhỏ của vùng Đông Bắc Việt Nam.
Tượng phật Hậu cung của chùa Nam Thọ
Một nét đặc biệt nữa của chùa Nam Thọ mà ít có di tích nào có được, đó là rừng cây cổ thụ phía sau chùa. Tại đây trồng rất nhiều loại cây trong đó chủ yếu là chay – Một loài cây quen thuộc với những người dân đồng bằng Bắc Bộ. Cây ở đây có đường kính rất lớn, có những cây hai người ôm không xuể. Vườn cây này được trồng từ bao giờ hiện không ai nhớ rõ. Trải qua năm tháng, nó hiện hữu như những người lính âm thầm đứng gác, gìn giữ cho ngôi chùa sự uy nghiêm, tĩnh mịch và linh thiêng.
Không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, chùa Nam Thọ còn là một di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước của nhân dân ta. (Theo lời kể của nhân dân địa phương, vào khoảng những năm 1905, Phan Bội Châu trên đường đi Trung Quốc để sang Nhật gặp gỡ các nhà cách mạng Nhật Bản, Trung Quốc đề nghị họ hỗ trợ cho phong trào Đông Du. Trong một lần bị giặc truy đuổi, ông đã ẩn náu tại chùa Nam Thọ và được nhân dân cưu mang, giúp đỡ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, chùa là nơi tích trữ lương thực, nuôi giấu cán bộ cơ sở, cất giấu tài liệu cách mạng và là nơi tiễn đưa hàng ngàn con em địa phương lên đường tham gia kháng chiến).
Trong tiềm thức của những người dân địa phương và những du khách đã từng đặt chân đến nơi đây, chùa Nam Thọ là một địa điểm thanh tịnh và linh thiêng. Chính vì thế, nhiều du khách và phật tử muốn đến đây để tìm cho mình một khoảng không riêng, để suy ngẫm về cuộc đời, con người và nhân thế và được hòa mình vào với những giáo lý của đạo Phật, hướng tới cái thiện, cái mỹ. Phải đặt chân đến nơi đây, vãn bộ trong vườn cây cổ thụ và nghe những tiếng chuông ngân vang, ta mới có thể cảm nhận được hết những giá trị về tâm linh và tinh thần mà ngôi chùa đã mang lại. Cùng với không khí tưng bừng của các lễ hội truyền thống của địa phương như lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội đình Tràng Vỹ… Hàng năm, tại di tích chùa Nam Thọ cũng có nhiều ngày lễ, thu hút được đông đảo phật tử và du khách tới tham gia, đó là lễ Phật Thích Ca (8/4 ÂL), lễ Vu Lan (Tháng 7ÂL), lễ Phật A Di Đà (17/11 ÂL) ...
Nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu tổ quốc, chùa Nam Thọ cũng như các công trình kiến trúc nghệ thuật và văn hóa khác của thành phố Móng Cái là “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khắc ghi dấu ấn lịch sử và mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam tại vùng biên cương của Tổ quốc. Ngôi chùa được đánh giá chính là một trong những di tích có giá trị tiêu biểu của thành phố Móng Cái, đồng thời cũng thật vinh dự khi đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1999.
Có dịp đi tới Quảng Ninh, quý du khách nhớ ghé thăm chùa Nam Thọ, bạn sẽ cảm nhận được một không khí trang nghiêm nhưng lại vô cùng dung dị. Tiếng chim ríu rít và những làn gió mát đưa hương nhang trầm thoang thoảng, khiến lòng người không khỏi lắng đọng. Đây chắc chắn sẽ là một trong những điểm dừng chân đáng để bạn ghé thăm nhất khi đến Móng Cái.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Trung tâm TTXTDL biên tập