Chùa Phổ Am (thường được gọi là Chùa Am) có tên chữ là Am Vân Tự, tọa lạc trên núi Duật Vân, thuộc phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Am cách trung tâm thành phố khoảng gần 3km.
Chùa Phổ Am tọa lạc trên núi Duật Vân, thuộc phường Bắc Sơn, TP Uông Bí (Nguồn ảnh: danviet)
Theo nội dung được khắc trên cây hương đá, một trong những di vật cổ còn lại cho đến ngày nay, thì Chùa Am được xây dựng vào năm 1705, đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh, do ông Trần Văn Bách, nguyên trước là Lý trưởng của vùng, phát tâm cùng nhân dân góp công của để xây dựng làm nơi thờ Phật. Theo triết tự Hán - Việt, Phổ có nghĩa là rộng lớn, còn Am là sự hiểu biết. Tên ngôi chùa Phổ Am có thể suy ra là sự hiểu biết rộng.
Theo truyền thuyết, cùng lời kể của các cụ cao tuổi: vua Trần Nhân Tông khi lên tu ở núi Yên Tử, đã từng đi qua nơi đây, thấy cảnh sắc non nước kiều diễm, hữu tình, trên đỉnh núi có những đám mây hoà quyện với ba màu sắc, do vậy ngài đã đặt tên cho ngọn núi là Duật Vân.
Chùa Phổ Am có vị trí vô cùng đắc địa, lưng tựa núi mặt hướng về phía sông (Nguồn ảnh: uongbi.gov.vn)
Chùa Phổ Am quay theo hướng Đông Nam, được xây dựng trên mảnh đất cao. Trước cửa chùa là một khe suối nhỏ chảy qua. Chùa lại nhìn về phía sông Uông tạo nên thế âm dương hòa hợp tạo sự sinh trưởng cho muôn loài. Chính vì vậy, cây cối trong khuôn viên chùa quanh năm tươi tốt, tạo cảnh sắc vô cùng linh thiêng, huyền bí và tôn kính chốn cửa Phật.
Theo kể lại của người dân: vào những năm 1990, rừng cây quanh núi Duật Vân xảy ra cháy lớn, nhưng có một điều lạ kỳ là Chùa Am gần như “vô sự”, không bị ảnh hưởng gì.Theo nghiên cứu của các chuyên gia văn hoá lịch sử, thì Chùa Phổ Am từng là một công trình kiến trúc cổ, có từ lâu đời. Các mảng chạm khắc và hệ thống tượng Phật ở đây được tạo tác tinh xảo nhờ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đã chạm khắc nên muôn hình muôn vẻ, thể hiện những nội tâm khác nhau ở từng pho tượng, nhưng tất cả đều mang đậm bản sắc dân tộc, không pha trộn với các nền văn hoá Trung Hoa hay nền văn hoá nào khác trên thế giới.
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian và lịch sử, đến nay kiến trúc của Chùa đã không còn giữ được nguyên gốc. Chùa Am hiện nay mang dáng dấp của kiến trúc thời Nguyễn. Trong chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng Phật có giá trị, mang phong cách thời Nguyễn như: tượng Tam thế phật, Thích ca sơ sinh, Quan âm toạ sơn, A di đà, Quan âm chuẩn đề, Di lặc, Địa tạng...
Khung cảnh yên tĩnh tại sân chùa Phổ Am (Nguồn ảnh: danviet)
Trong hơn 300 năm tồn tại, chùa Phổ Am đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Lần đầu tiên là vào năm 1802, đời vua Gia Long; sau chiến tranh, hòa bình lập lại, năm 1979, chùa được sửa sang, trùng tu lớn. Năm 1994, chùa xây lại bái đường. Năm 2002, chùa tiến hành trùng tu lại toàn bộ Ngôi Tam bảo, nhà Tổ, nhà mẫu và các hạng mục công trình khác.
Hiện nay, Khu tam bảo chánh điện của chùa Phổ Am được trùng tu lại toàn bộ trên diện tích 350m2, thiết kế theo hình chữ Công, gồm 3 gian tiền đường, 2 gian ống muống và 3 gian hậu cung. Tiền đường và hậu cung mái được thiết kế chồng diêm 2 tầng. Nhà tổ có diện tích 300m2, thiết kế hình chữ Đinh, gồm Tiền đường và Hậu cung. Nhà mẫu thiết kế theo hình chữ Nhị, trên diện tích 300m2, được xây theo phong cách kiến trúc cổ.Trong khuôn viên chùa, còn có tượng Phật tổ Như Lai cao 2,5m, nặng trên 10 tấn, được làm bằng đá ngọc thạch. Tượng do phật tử phát tâm công đức và được dựng vào năm 2004. Vào giữa năm 2011, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, con đường dẫn lên chùa đã được mở mang khang trang, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, phật tử đến chiêm bái, lễ Phật.
Chùa Phổ Am luôn thu hút đông đảo khách du lịch, phật tử đến lễ Phật đặc biệt là vào dịp đầu năm mới
(Nguồn ảnh: uongbi.gov.vn)
Từ lâu chùa Phổ Am đã trở thành một địa điểm thu hút đông đảo Phật tử, bà con địa phương đến chiêm bái. Đặc biệt, hàng năm, sau thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hàng ngàn bà con nhân dân, Phật tử đều qui tụ về đây để cùng nhà chùa tụng thời kinh, hồi hướng cầu quốc thái dân an, tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới.Lễ hội chính của chùa được tổ chức vào ngày 18 và 19 tháng giêng âm lịch với nhiều nghi lễ truyền thống cũng như các hoạt động văn hóa thể thao.
Cùng với các danh thắng khác, chùa Phổ Am đã và đang góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá, đời sống văn hoá tinh thần của người dân, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch văn hóa – tâm linh của địa phương phát triển.
Trung tâm TTXTDL biên tập