Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Chùa Quỳnh Lâm với những thăng trầm lịch sử

   Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông, do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Thời Trần, năm 1317, Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng chùa thành một trong những trung tâm đào tạo tài năng lớn của Thiền phái Trúc Lâm. Quỳnh Lâm thành một tự viện lớn và là nơi tổ chức các sự kiện Phật giáo lớn. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa cũng như quá trình hình thành, nơi đây còn được mệnh danh là “Trường Đại học Phật giáo” đầu tiên ở nước ta.
   Chùa Quỳnh Lâm thuộc xã Tràng An , thị xã Đông Triều , tỉnh Quảng Ninh . Di tích được Bộ Văn hoá ( nay là Bộ Văn hoá , Thể thao và Du lịch ) xếp hạng là di tích Lịch sử Nghệ thuật vào ngày 15/11/1991. Di tích chùa Quỳnh Lâm là một phần trong tổng thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã Đông Triều.
Toàn cảnh chùa Quỳnh Lâm
   Chùa Quỳnh Lâm nằm trong dãy vòng cung Đông Triều thuộc xã Tràng An và nằm ở trung tâm của 3 xóm Thượng, Hạ, Sinh. Chùa được xây dựng trên thế đất “ Đầu gối sơn, chân đạp thủy ” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “ Rồng chầu, hổ phục ”, trên núi Tiên Du, nằm trong hệ thống triền đồi chạy từ núi Yên Tử - Ngọa Vân xuống đồng bằng. Phía trước cửa chùa là hồ nước lớn , theo văn bia Cảnh Trị thứ 2 bên cạnh hồ còn ghi lại thì hồ được đào vào năm 1664, ba phía còn lại là núi bao bọc, bốn góc chùa có 4 gò đất cao được gọi là 4 mắt Rồng tứ trấn xuyên thấu tâm sinh.
   Chùa được xây dựng vào thời Lý Thần Tông, do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng vì nơi đây vào thời Lý, nhà sư Không Lộ đã cho đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (khoảng 20m) từng được coi là một trong “An Nam tứ đại khí” (bốn báu vật lớn của Việt Nam, gồm tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Di Lặc chùa Quỳnh Lâm). Đến thời Trần, do có vị trí là cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nên chùa được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng. Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa.
Chùa Quỳnh Lâm lưu giữ những chứng tích Phật giáo - nơi Phật giáo phát triển vinh hiển của quá khứ
Chùa Quỳnh Lâm qua từng thời kỳ:
   Trên nền chùa Quỳnh Lâm từ thời Lý, tháng 12 năm 1317, Pháp Loa cho xây dựng và thành lập viện Quỳnh Lâm với các kiến trúc đồ sộ, hoàn chỉnh và trở thành học viện Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, cùng với chùa Hoa Yên ở Yên Tử, chùa Báo Ân ở Bắc Ninh, chùa Thanh Mai ở Hải Dương, thiền viện Quỳnh Lâm do Pháp Loa trụ trì là một trong những trung tâm giáo hội Trúc Lâm thời Trần. Quỳnh Lâm thực sự trở thành “Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam”.
   Năm 1319, Nhị Tổ Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và phật tử chích máu in hơn 5000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm viện. Năm 1328, ông lại cho đúc một pho tượng Di Lặc. Sau đó ông tâu xin nhà vua cho được kéo tượng từ nền điện lên bảo tọa để dát vàng. Tượng cũng bị mất vào thế kỷ 15 khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi tượng trầm trầm tại hạ (chìm dần xuống đất). Chúng cũng cho phá huỷ kiến trúc đồ sộ của chùa, khiến chùa phải trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Chùa bị hư hỏng hoàn toàn vào cuối thời Trần.
   Dưới thời Lê, Thiền sư Chân Nguyên đã cho tôn tạo và xây dựng lại Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn, đào tạo tăng tài cho cả nước, đây là giai đoạn chấn hưng Phật giáo Trúc Lâm. Đến thời Lê Trung Hưng, triều đình nhà Lê, chúa Trịnh đã cấp tiền của và huy động sức dân ba huyện Đông Triều, Chí Linh và Thủy Đường tham gia đại trùng tu, xây dựng lại chùa Quỳnh Lâm. Việc trùng tu tôn tạo tiêu tốn nhiều tiền của, vật lực nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành.
Năm 1820, nhà Nguyễn tiếp tục cho trùng tu tôn tạo lại chùa Quỳnh Lâm theo mô hình của thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVIII). Ngoài ra, nhà Ngyễn còn cho đúc một quả chuông lớn “ Đại Hồng Chung”, quả chuông này còn lưu giữ trong chùa đặt tại Tháp chuông. Sang thời Thiệu Trị (1840 - 1847 ), chùa bị cháy Chính điện và Tiền đường, sau đó được trùng tu lại. Đến năm 1910 hỏa hoạn lại tiếp tục thiêu trụi hết tượng đài, gác chuông, gác trống của chùa. Sau hoả hoạn, nhân dân thập phương đã cùng nhau quyên góp tu sửa lại, nhưng chưa được bao lâu thì năm 1947 máy bay giặc Pháp ném bom xuống chùa vì nghi ngờ đây là cơ sở kháng chiến. Lần này chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Đến 1995, chùa được xây dựng lại và vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật quý như : Tấm bia đá lớn thời Lý, khánh đá, con sâu, đặc biệt là sự tồn tại của khu vườn Tháp.
   Năm 1997, Thị ủy - HĐND - UBND thị xã Đông Triều huy động các nguồn lực xã hội hóa tổ chức tu bổ, tôn tạo lại chùa Quỳnh Lâm với các hạng mục công trình như: Tam bảo, gác Chuông, Nhà bia ... với chất liệu bằng đá còn nguyên vẹn, 04 ngôi tháp đã được phục dựng lại Hiện nay, chùa Quỳnh Lâm còn 11 ngôi tháp, trong đó 07 ngôi tháp trong những năm cuối của thế kỷ XX. Cùng với đó, chùa Quỳnh Lâm có khoảng 20 ngôi tháp đã bị đổ sập hoàn toàn, chỉ còn lại những dấu vết gò mộ.
   Để bảo tồn và phát huy giá trị trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm trong tổng thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều xứng tầm với lịch sử. Từ năm 2016, chùa Quỳnh Lâm đã được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, do BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh - đại diện là Thượng tọa Thích Đạo Quang, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư.
Với những giá trị lịch sử văn hóa, khoa học. Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

 
Chùa Quỳnh Lâm được trùng tu, tôn tạo lại với quy mô lớn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái.
   Lễ hội chùa Quỳnh Lâm hàng năm được tổ chức trong 4 ngày (từ mùng 1 đến hết mùng 4 tháng 2 âm lịch). Khai mạc lễ hội có các màn rước lễ, trống hội, dâng hương chư Phật, phần hội là những nét văn hóa đặc sắc, các chương trình nghệ thuật như: làng vui chơi làng ca hát, thi đấu bóng chuyền, thi nấu cơm, đập nồi đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đánh đu,.. đặc biệt là màn đua thuyền truyền thống của lễ hội chùa Quỳnh Lâm được nhân dân và du khách thập phương tham gia cổ vũ rất đông.
Lễ Rước Chùa Quỳnh Lâm
  Trải qua ngàn năm với biết bao thăng trầm, biến cố: lúc chiến tranh, khi thiên tai hỏa hoạn, ngôi chùa đã từng được xem là Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam ngày xưa ấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Trong tương lai không xa, Chùa Quỳnh Lâm sẽ thực sự trở thành trung tâm Phật giáo của vùng Đông Bắc, điểm đến du lịch văn hóa tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương; chốn “Đệ nhất danh lam cổ tích” thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam.
Trung tâm TTXTDL Quảng Ninh

 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862