Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Đền An Biên và nữ tướng Lê Chân

Toạ lạc bên sườn núi Vẻn, thôn An Biên, xã Thuỷ An (TX Đông Triều) có ngôi đền cổ thờ Lê Chân - nữ tướng anh hùng của Hai Bà Trưng. Ngôi đền x­ưa kia tên gọi đền Suối bởi bên trái đền có dòng suối nhỏ. Phía trư­ớc đền là dòng sông Đạm Thuỷ uốn lượn mềm mại, xa xa có núi Công làm án, bên phải và bên trái đều có núi chầu về.
Theo sử liệu, Lê Chân là một nữ tướng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc Hán trong cuộc kháng chiến chống ách đô hộ phương Bắc dưới thời Hai Bà Trưng. Khi bà qua đời, nhân dân ghi nhớ công lao to lớn của bà đã xây dựng ngôi đền ngay trên quê hương để tưởng nhớ bà. Ngôi đền xa xưa gồm ba gian bái đường và một gian hậu cung, mái kết cấu kiểu chồng diêm, sân đền lát đá ráp.
Nữ tướng Lê Chân sinh ngày 8 tháng 2 năm 18. Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị phong kiến phương Bắc đô hộ, cuộc sống của nhân dân lầm than cơ cực, Lê Chân vô cùng căm thù quân giặc. Lớn lên lại bị tướng giặc ép làm tì thiếp nhưng cha mẹ nàng không chịu nên đã bị chúng tìm cách giết hại.
Tượng đài và đền thờ Lê Chân ở An Biên, xã Thuỷ An (TX Đông Triều).
Chứng kiến cảnh quê hương lầm than, gia đình tan nát, Lê Chân đã nuôi ý chí quyết tâm tìm cách đền nợ nước, trả thù nhà. Bà đã rời xa quê hương đến một vùng đất có sông ngòi chằng chịt, đất đai màu mỡ, lau sậy um tùm, địa thế hiểm trở rất thuận tiện cho việc lập căn cứ chống giặc thuộc vùng đất An Dương (Hải Phòng ngày nay) và quyết định ở đó xây dựng trang ấp mới. Bà cho người về quê đón gia quyến, người thân tới để cùng nhau lập làng, xây dựng lực lượng. Sau ba năm khai hoang lấn biển, bà đã lập được làng và sau mười năm vừa tích luỹ lương thảo vừa luyện tập nghĩa binh, liên kết thu nạp hào kiệt trong vùng, bà đã xây dựng được một đội quân tinh thông võ nghệ. Mùa xuân năm 40, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đội quân của Lê Chân lập tức trở thành cánh quân chủ lực của Hai Bà Trưng ở vùng Đông Bắc.
Từ Hải Phòng, Lê Chân đã chỉ huy nghĩa quân đánh lên phía bắc tụ nghĩa cùng đội quân của Hai Bà Trưng, đội quân của bà đã chiến thắng lớn. Một trong những trận đánh tiêu biểu của đội quân do Lê Chân lãnh đạo là trận đánh trên đất Kinh Bắc (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Trận đánh diễn ra bất ngờ làm quân giặc không kịp trở tay, xác giặc ngổn ngang. Trước sức mạnh của nghĩa quân, bọn quan quân đô hộ hốt hoảng chạy như o­ng vỡ tổ. Thái thú Tô Định vứt cả ấn tín, cạo râu, giả dạng thường dân chạy trốn về nước. Sáu mươi lăm thành trì được giải phóng, đất nước được độc lập.
Nghi môn phía trước đền An Biên.
Sau chiến thắng, nữ tướng Lê Chân được Trưng Trắc tấn phong là Thánh Chân Công chúa, đứng sau vị trí của Trưng Nhị và đảm nhận trọng trách “Trưởng quản binh quyền” thống lĩnh toàn bộ quân đội, kiêm trấn thủ vùng ven biển.
Với trọng trách được giao, bà đã dốc lòng chăm lo củng cố xây dựng lực lượng, tuyển thêm dân binh, mở lò tập võ, mở sới vật để tập luyện quân sĩ, chăm lo đời sống nhân dân, khuyến khích nghề nông. Bà luôn lấy đức để an dân, cố kết được mối đoàn kết trong dân nên được nhân dân yêu mến kính trọng. Nhân dân hăng hái lao động sản xuất, đất nước no ấm thanh bình. Bà thực sự trở thành một nhà quân sự đầu tiên đã khéo léo kết hợp giữa sản xuất và chiến đấu tạo nên sức mạnh toàn dân đánh giặc ngay từ buổi đầu công nguyên và trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, thời gian hòa bình đã nhanh chóng chấm dứt khi năm 42, vua Quang Vũ nhà Hán đã sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân chỉ huy đại binh sang đánh nước ta. Bà Lê Chân cùng với Hai Bà Trưng và nhiều nữ tướng khác đã tham gia những trận đánh ác liệt ở vùng hồ Lãng Bạc (Bắc Ninh) ngày nay, trận đánh phá vây ở Cẩm Khê (ngày nay có thể là vùng thung lũng Suối Vàng ở chân núi Vua Bà, trong dãy Ba Vì - Hà Nội). Nhưng do giặc quá mạnh, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi. Để giữ khí tiết, Hai Bà đã trầm mình xuống sông Hát tự vẫn. Lê Chân đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn (nay thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam) nhằm khôi phục cơ đồ. Căn cứ vừa hình thành chưa được bao lâu thì Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng, Lê Chân đã lên núi Giát Dâu gieo mình tự vẫn quyết không sa vào tay giặc. Năm ấy bà vừa 23 tuổi. Các vua đời sau có chiếu phong bà là Thượng đẳng Phúc thần công chúa.
Mặc dù thắng lợi của cuộc kháng chiến chỉ kéo dài trong ba năm nhưng ý nghĩa và tiếng vang của thắng lợi đó đã trải dài suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Nó là mốc son đánh dấu ý chí bất khuất và nghị lực phi thường của nhân dân ta, cũng là dấu mốc đánh dấu sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Hằng năm đền An Biên có ba ngày lễ lớn là: Ngày 8/2 (âm lịch) ngày sinh của bà, ngày 15/8 (âm lịch) ngày thắng trận, ngày 25 tháng Chạp ngày mất của bà. Ngày xưa, lễ hội đền An Biên được tổ chức rất trọng thể, có lễ rước thần và diễn lại công trạng hành binh đánh trận diệt giặc của thần và của nhân dân ta. 
Đền An Biên đã qua nhiều lần trùng tu. Năm 1993, đền được nhân dân địa phương tôn tạo lại trên nền đền cũ. Năm 1995, khi về thăm đền, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trồng cây bồ đề tại khuôn viên đền. Năm 2002, tượng đài nữ tướng Lê Chân được dựng tại đền vừa thể hiện được nét dịu dàng duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam, vừa thể hiện được sự dũng mãnh oai phong của một vị tướng khi xung trận.
Năm 2006, đền An Biên đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh và năm 2017, được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2018 nhân kỷ niệm ngày thắng trận của Nữ tướng Lê Chân (15/8 âm lịch), TX  Đông Triều đã tổ chức lễ động thổ, khởi công hạng mục đền chính. Sau gần 3 năm triển khai thi công tu bổ và tôn tạo di tích, đầu năm 2021, đã hoàn thành đền chính, nghi môn và sân đền khang trang như ngày nay.
Không chỉ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam mà cả nước đều tôn vinh, ghi nhớ công lao của nữ tướng Lê Chân, bởi vì bà đã để lại cho hậu thế muôn đời tấm gương chói lọi vì nước, vì dân.
Nguồn: Báo Quảng Ninh

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862