Nằm trên địa bàn phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, chùa Ba Vàng (Bảo Quang Tự) được công nhận là ngôi chùa có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam.
Chùa Ba Vàng được công nhận là ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Việt Nam (Nguồn ảnh: vietnamnet)
Chùa Ba Vàng có tên chữ là Bảo Quang Tự tọa lạc ở độ cao 340m trên núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Ba Vàng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam bởi địa thế vô cùng đẹp: phía trước nhìn ra sông Bạch Đằng, phía sau lưng tựa vào núi, hai bên là rừng thông bát ngát xanh, lại có mạch phong thủy bắt nguồn từ chùa Đồng Yên Tử với địa hình hạ đoạn tạo thành thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ rất hùng vĩ. Cảnh quan và kiến trúc của chùa cũng nguy nga, tráng lệ không kém: Rất nhiều tiểu cảnh được xây dựng trên đường bộ đi lên chùa và trong khuôn viên nhà chùa. Nhìn từ trên cao xuống, không gian cảnh trí ngôi chùa hiện ra trước mắt ta như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, một kiệt tác hiếm có của tạo hóa.
Chùa Ba Vàng có địa thế tuyệt đẹp về phong thủy (Nguồn ảnh:dangcongsan)
Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 – 1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13. Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng. Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52 m, rộng 0,38 m, dày 0,12 m, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2 m, mỗi mặt rộng 0,22 m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc. Riêng cây hương bằng đá, phần lớn chữ ở mặt bia đã bị phai mờ, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia ghi các chữ: Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ. Nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.
Cây hương khắc tên chùa còn lưu giữ lại (Nguồn ảnh: hanhtrinhtamlinh)
Hiện nay chùa đã được xây dựng mới trên quy mô gần 22ha trong đó đất xây dựng công trình là gần 1.2ha, đất cây xanh cảnh quan là hơn 16ha, đất hạ tầng kỹ thuật là khoảng 3,4ha. Tận dụng mạch nước nguồn trong khe đá tự nhiên từ trên núi, nhà chùa đã khéo léo thiết kế thành những thác nước nhân tạo sơn thủy hữu tình hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên của cõi thiền. Từ chân núi Thành Đẳng qua cổng tam quan, theo con đường bê tông dốc dài khoảng hơn 200m, leo lên hơn 200 bậc đá ong uốn lượn quanh co cùng với hệ thống hòn non bộ như nâng bước chân du khách trong hành trình tham quan lễ Phật.
Chùa Ba Vàng được xây dựng với rất nhiều hạng mục như: Tòa Đại Hùng Bảo Điện (4500m2), Lầu Chuông (112 m2), Lầu Trống (112 m2), Hành Lang La Hán (200m2), Nhà Bảo Tàng (700 m2), Thư Viện (700 m2), Khu Nhà Tăng (1600 m2), Thiền Đường (960 m2), Cổng Đá, Cổng Tam Quan Trung, Cổng Tam Quan Nội, và một số công trình phụ… Song quy mô và hoành tráng nhất phải kể đến tòa Đại Hùng Bảo Điện hay còn gọi là chùa chính (chính điện) có kiến trúc 2 tầng, quy mô rộng hơn 4000m2. Đây là ngôi chính điện đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là “Ngôi chính điện trên núi lớn nhấtViệt Nam”. Nét nổi bật của tòa chính điện là toàn bộ kiến trúc cột, kèo, vỉa, mái, xà đều được làm bằng bê tông cốt thép nhưng được sơn vân gỗ nên nhìn bằng mắt thường thì ngôi chùa vẫn mang dáng dấp thuần Việt. Các đầu mái đao được đắp nổi các con vật thuộc hàng tứ linh (Long Ly Quy Phượng). Trên bức tường giáp mái là những bức tranh khổ lớn mô phỏng cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi mới sinh, xuất gia, đắc đạo, truyền giáo cho đến khi nhập niết bàn.
Tòa chính điện được xây dựng trên diện tích hơn 4000m²
Xung quanh Đại Hùng Bảo Điện bố trí các công trình như nhà Tổ, khu giảng đạo, trai phòng, thư viện, lầu chuông, lầu trống, hành lang tượng La Hán, nhà bảo tàng, không gian tiểu cảnh non bộ,… tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, thuận lợi cho việc chiêm bái, thăm quan của các tăng ni, Phật tử và du khách thập phương.
Chùa Ba Vàng lung linh về đêm (Nguồn ảnh: chuabavang)
Chùa Ba Vàng không chỉ là điểm đến hành hương của hàng triệu tăng ni, phật tử, du khách trong và ngoài nước mỗi năm, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh vào bậc nhất trên cả nước bởi sự hội tụ đầy đủ các yếu tố của một khu du lịch sinh thái. Chắc chắn du khách đến chiêm bái, vãng cảnh chùa Ba Vàng sẽ được đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, hữu tình mà vẫn có được cảm giác an lạc trong không khí linh thiêng của chốn thiền môn thanh tịnh.
Trung tâm TTXTDL biên tập