Ở Quảng Ninh hiện nay có duy nhất một ngôi đền thờ vua Lê Lợi, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, lên ngôi trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê. Đó là đền thờ Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi, TP Hạ Long. Đền thờ Lê Thái Tổ đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2003.
Đền thờ vua Lê Thái Tổ là ngôi đền duy nhất thờ vua Lê Lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Đền thờ vua Lê Lợi được xây dựng vào cuối thế kỷ XV, toạ lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là sông nước. Xưa kia đền có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 3 gian bái đường và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói vẩy, có sân đền và cổng, xung quanh có tường bao, tạo thành một không gian biệt lập, linh thiêng. Về nguồn gốc của đền thờ Lê Thái Tổ, bà con nhân dân địa phương vẫn còn lưu giữ những sự tích về một lần vua Lê Lợi gặp nạn khi đánh giặc qua đây. Tục truyền rằng, khi đức vua Lê Lợi bị thua trận phải rút lui qua xã Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên (nay là xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) ngài gặp một người đàn bà mặc áo trắng chết nằm ở ngay đường. Đang lúc nguy cấp, song ngài động lòng thương đem chôn cái xác ấy đi, xong rồi mới chạy trốn. Khi ngài nấp trong một bụi cây, đám chó săn nhằm bụi cây mà sủa khiến bọn giặc cứ nhằm nơi ngài nấp mà đâm giáo mác. May sao lúc đó từ trong gốc cây có một con cáo trắng chạy ra, đám chó chạy đuổi theo con cáo khiến bọn giặc tức giận đâm chết con chó. Qua được nạn, ngài thấy chỗ ấy phong cảnh hữu tình nên tâm niệm: Sống làm vua, chết sẽ làm thần bảo vệ dân làng nơi đây.
Theo các nghiên cứu, đền thờ vua Lê Lợi được xây dựng từ thế kỷ 15 và đã trải qua 5 lần trùng tu lớn
Trải qua thăng trầm của lịch sử, đền thờ Lê Thái Tổ đã bị huỷ hoại nhiều lần. Qua dấu vết nền móng, các nhà nghiên cứu đã khẳng định đền thờ vua Lê Lợi đã có 5 lần trùng tu lớn. Năm 1967 đền bị sập đổ. Năm 1999, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng lại ngôi đền. Đền quay theo hướng Tây, theo luật phong thuỷ là một hướng ổn định, tiền hậu tả hữu đều cân xứng, nên đã tạo được sự tối linh để con người gửi gắm nỗi lòng. Trước cửa đền còn giữ được cổng ghi môn cổ, trên đề 3 chữ “Tối Linh Từ”. 2 cột trụ có đôi câu đối, tạm dịch là: Đến chiêm bái lời cổ nhân sáng tỏ/ Vào tất rõ đền miếu đẹp hiển nhiên. Qua cổng ghi môn là sân đền có lư hương và bàn thờ thiên, tiếp đến là bậc tam cấp với 2 ông voi chầu 2 bên. Gian bái đường hiện đã được tôn tạo bằng nền gạch đỏ, thuận tiện cho nhân dân đến chiêm bái. Phía trên xà có treo 1 đại tự bằng gỗ, chạm rồng chầu nhật, chữ viết bằng sơn đen ghi 4 chữ: “Thượng đẳng tối linh”, có nghĩa là: Vị thần được thờ ở đây đã được phong là Thượng Đẳng Thần và vị thần này rất linh ứng.
Tiếp sau khu vực bái đường là hậu cung. Khu vực này rộng khoảng 47m2, chính giữa đặt ban thờ và tượng Lê Thái Tổ. Hai bên là ban thờ và tượng của tướng Lê Lai, Nguyễn Trãi.
Xung quanh đền thờ là sông nước mênh mông
Tại đền Lê Thái Tổ ngày nay còn lưu giữ được 5 sắc phong vua Gia Long ban tặng vào năm 1821 và 1846. Nội dung các sắc phong nêu rõ: Các vị thần Lê Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Thần Núi, Thần Sông… đã có công giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, nay gia tặng Thượng Đẳng Thần và cho phép xã Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên phụng thờ như xưa.
Phía bên trái đền là miếu thờ thần Hoàng Làng rộng khoảng 5m2. Cùng kích thước như miếu thờ thần Hoàng Làng, phía bên phải đền là miếu thờ bà Lê Thị Út. Tương truyền đây chính là người đã hoá con cáo trắng, có công cứu vua, sau đó bà được vua cho mang họ của mình là họ Lê. Nhân dân ở đây thường gọi là miếu Bà Chúa.
Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ được tổ chức vào tháng 11 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ quan trọng
Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tổ được tổ chức vào tháng 11 âm lịch hàng năm nhằm tuyên truyền giáo dục cho nhân dân về truyền thống, lịch sử dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân; góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là dịp tạo không khí đoàn kết, vui tươi, phấn khởi thi đua xây dựng huyện Hoành Bồ ngày càng giàu đẹp, văn minh. Lễ hội thường bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ có: nghi lễ rước kiệu vua Lê Thái Tổ, rước bát hương linh vị về đình làng Trí Xuyên được tổ chức trang trọng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân dành cho các bậc tiền nhân. Phần hội có nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại như thi sắp cỗ tiến thành hoàng làng, giao lưu hát chèo, têm trầu cánh phượng, thi kéo co, bắt vịt, bắt chạch trong chum…
Những năm gần đây, đền thờ vua Lê Thái Tổ đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của của du khách cũng như những tín đồ Phật Giáo, đến với nơi đây du khách không chỉ được hòa mình với cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được tìm hiểu thêm về lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của ông cha.
Trung tâm TTXTDL biên tập