Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Đền xã tắc – “Cột mốc văn hóa” nơi biên ải

Đền, chùa Xã Tắc tọa lạc tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái, trước kia có tên là “Đàn miếu Xã Tắc Đại vương” là nơi lập đàn để tế long thần thổ địa. Nằm ở vị trí quan trọng nơi địa đầu Tổ quốc, cạnh ngã ba sông biên giới Việt - Trung, đền Xã Tắc là nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta trấn yên bờ cõi và khẳng định những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân đất Việt. Tới nay, đền Xã Tắc đã trở thành một điểm đến tâm linh đối với nhân dân và du khách thập phương khi đặt chân tới vùng đất địa đầu của Đông Bắc Tổ quốc.
Đền Xã Tắc nằm cạnh ngã ba sông biên giới, được coi là “Cột mốc văn hóa” góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.​​​​​​
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, đền Xã Tắc đã được trùng tu nhiều lần và hiện di tích gồm các hạng mục nghi môn, chính điện, tả vu hữu vu, lầu chuông, gác trống, miếu Sơn thần... Với người dân vùng biên giới Móng Cái, đền Xã Tắc là một trong những công trình có giá trị đặc biệt tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3238/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020, công nhận Di tích lịch sử đền Xã Tắc là Di tích Quốc gia. Đây là ngôi đền nằm cạnh ngã ba sông biên giới, được coi là “Cột mốc văn hóa” góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.
Hiện nay, đền vẫn còn lưu giữ được 03 tấm bia và 03 bài vị đều được chế tác từ đá cát kết, nội dung các văn bia và bài vị cho biết các nhân vật được thờ trong đền: Xã Tắc Đại Vương, bản thôn Long mạch Thổ thần và các dòng họ đã đóng góp công đức xây dựng đền. Đồng thời, nội dung của các bia đá này cho biết đền đã trùng tu nhiều lần (năm Kỉ mão và năm Tân Tỵ), lần trùng tu lớn nhất vào năm Kỷ Mão (1879).
Đến đầu Thế kỷ XX, do thiên tai bão lũ, sạt lở sông, dân làng chuyển đền vào phía trong Soáy Nguồn. Đây là vị trí hết sức đặc biệt ở sát dòng sông Ka Long, nơi giáp ranh giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, thuộc tổ 10 khu 3, phường Ka Long, thành phố Móng Cái. Năm 1992, đền được tu sửa theo hướng Nam, gồm: cổng đền, đền chính, nhà thờ Mẫu, ban thờ Chúa bản cảnh, lầu cô, lầu cậu và cây hương ngoài trời.
Đền Xã Tắc được xây dựng trên tổng diện tích là 11.486m2, năm 2009, triển khai thực hiện tu bổ tôn tạo đền Xã Tắc gồm những hạng mục sau: nghi môn, chính điện, tả hữu vu, lầu chuông, gác trống, miếu sơn thần, am hóa vàng và một số hạng mục phụ trợ.
Với người dân vùng biên giới Móng Cái, đền Xã Tắc là một trong những công trình có giá trị đặc biệt tiêu biểu, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng.
 Việc thờ thần Xã Tắc còn mang ý nghĩa thể hiện cho nguyện vọng, ý chí: từ thiên tử cho tới thứ dân cùng tôn sùng, xây dựng, giữ gìn một biểu tượng quốc gia, dân tộc, cụ thể là tinh thần độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Thường thì địa đầu biên giới bao giờ cũng là nơi đụng độ đầu tiên giữa kẻ thù xâm lược và đội quân trấn thủ biên cương; do đó, hơn bất cứ nơi nào khác, việc thờ thần Xã Tắc tại Móng Cái, Quảng Ninh có thể được coi là biểu tượng của quốc gia dân tộc - ý chí độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như biểu tượng cho những vụ mùa bội thu, cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc…
Nằm ở vị trí địa đầu của tổ Quốc, đền Xã Tắc từng là nơi ghi dấu bao thăng trầm, hưng vong của lịch sử, oanh liệt và tang thương, buồn đau và vui sướng. Nhưng dù ở thời nào, người dân nơi đây vẫn không quên hương khói, phụng thờ. Đây không chỉ là một địa danh thu hút khách tham quan du lịch, một địa điểm văn hóa tâm linh. Nó đã trở thành một “cột mốc” vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ Quốc gia và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.
 Trung tâm TTXTDL biên tập

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 0913 265 009; ZALO, VIBER (+84)855628862