Ba Chẽ là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây không chỉ có núi non hùng vĩ với những cánh rừng đại ngàn, cùng nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc: Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Tày… mà còn có những di tích lịch sử đã được lưu truyền hàng ngàn năm. Một trong số các di tích lịch sử còn được lưu truyền bao đời nay đó là Miếu Ông miếu Bà gắn liền với câu chuyện lui quân lánh thế giặc Nguyên Mông của hai vua nhà Trần vào năm 1285. Di tích Miếu Ông - Miếu Bà đã và đang được huyện Ba Chẽ quan tâm trùng tu, trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút được nhiều du khách...
Di tích Miếu Ông - Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, cách cầu Ba Chẽ gần 1km. Miếu Ông là nơi thờ Đức thánh phù Trần, tả tướng quân Lê Bá Đức, người có công phù Nhà Trần đánh giặc tại Ba Chẽ. Theo thư tịch cổ vào tháng 02/1285, trong cuộc hành quân chiến lược để tạo thế và lực chống quân Nguyên Mông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông đã đi qua sông Ba Chẽ, tại đây hai Vua đã thực hiện chiến lược rời thuyền đi bộ đến Thủy Chú để tiếp tục hành trình vào Thanh Hóa.
Đối diện với Miếu Ông bên kia sông là Miếu Bà thờ Mẫu Thượng Ngàn (bà chúa của rừng xanh), theo truyền thuyết Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (con gái Vua Hùng thứ 18). Bà đã có công dạy những người dân miền núi cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Giống như nhiều nơi ở trung du, miền núi và đồng bằng Bắc Bộ, Mẫu Thượng Ngàn được thờ ở nhiều nơi, riêng rẽ hoặc phối thờ trong các chùa, đền, nhưng riêng Miếu Bà ở Ba Chẽ nằm vị trí tách biệt ngay nơi cửa biển.
Di tích Miếu Bà nằm bên sông là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn
Do có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh, nên năm 2013 Miếu Ông - Miếu Bà đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch khu di tích lịch sử này với diện tích 5ha, gồm Miếu Ông, Miếu Bà, chùa và một số hạng mục khác. Hiện nay, các hạng mục chính đã nâng cấp, trùng tu hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương.
Hằng năm, vào ngày 3 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà. Điểm độc đáo của lễ hội là tục rước nước từ sông Ba Chẽ về thực hiện lễ Mộc dục (lễ tắm tượng). Bên cạnh đó còn có lễ rước bài vị tả tướng quân Lê Bá Đức, lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương, bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân đã có công với nước. Trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian, như: Thi gói bánh chưng, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt bắt vịt, chèo thuyền bằng chân...
Môn Chèo thuyền là nét đặc trưng truyền thống của Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà
Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà được tổ chức hằng năm đã góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong huyện và du khách gần xa; tưởng nhớ tới những người đã có công đánh giặc giữ nước, đem lại cuộc sống bình yên, ấm no cho nhân dân; đồng thời khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa cũng như quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái của khu di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà.
Trung tâm TTXTDL biên tập