Nhắc đến Đầm Hà là nhắc đến một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cảnh đẹp tự nhiên. Đến đây, du khách không chỉ có cơ hội tham quan những cảnh đẹp kỳ vĩ nơi núi rừng mà còn được tìm hiểu thêm về lịch sử, những ngôi chùa cổ kính đã có từ bao đời và một trong những điểm du khách không thể bỏ qua khi đến với nơi đây đó chính là đình Đầm Hà.
Đình Đầm Hà không chỉ là nơi sinh hoạt đời sống tâm linh của nhân dân mà còn là nơi có nhiều giá trị to lớn về lịch sử cách mạng
Tương truyền, đình Đầm Hà được xây dựng từ thế kỉ XVII (thời Hậu Lê, tiền Nguyễn) ở khu vực chợ Đầm Hà cũ sát ven biển, cách ngôi đình mới hiện nay 1km về hướng Đông nhưng chỉ tồn tại được khoảng một thế kỷ thì bị giặc đốt phá mất. Cuối thế kỷ 19, đình được nhân dân tổng Đầm Hà xây dựng lại ở thôn Tân (thôn Trại Đình ngày nay) với quy mô lớn, gồm 7 gian tiền đường và 3 gian hậu cung trên diện tích gần 500m2. Đình được xây bằng gạch đá gạo, có kích thước: 0,25 x 0,25 x0,40 m. Mái đình hình dáng cũng tương tự nhiều mái đình khác thường thấy ở những vùng quê Việt Nam, mái lợp ngói âm dương, màu tro, kích thước khoảng 25 x25 cm, một hàng ngửa, một hàng úp. Cột bằng gỗ lim đường kính khoảng 50-60 cm, kê trên một tảng đá lớn.
Năm 1943, đình Đầm Hà được trùng tu lại rộng rãi khang trang, bề thế, hàng năm đều tổ chức lễ hội Xuân (từ 15 đến 20 tháng giêng). Ngoài ra, dân làng còn duy trì việc tế lễ theo lệ làng và dành để bàn những công việc hệ trọng của làng. Đặc biệt, cuộc bầu cử chính quyền cấp huyện đầu tiên và cuộc bầu cử Quốc hội nước Việt Nam đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức tại đình Đầm Hà. Lần giở các thư tịch Hán Nôm cổ và các đạo sắc phong, bài văn tế của các cụ cao niên làng Đầm Hà thì đình Đầm Hà hiện thờ 7 vị thần như: Không Lộ, Giác Hải (Không Lộ và Giác Hải là 2 vị thiền sư thời Lý, rất tài giỏi, xuất thân từ gia đình làng chài). Bởi thế, một số vùng ven biển ở Quảng Ninh như Quan Lạn - Vân Đồn, Trà Cổ - Móng Cái và Đầm Hà... nhân dân đã tôn các vị này làm Thành hoàng làng và thờ trong các đình, đền, miếu...
Ngoài ra, đình Đầm Hà còn thờ 12 vị tiền thân của dòng họ Hoàng và dòng họ Phan, sinh sống lâu năm ở vùng đất này và 14 vị hậu thần của 9 dòng họ. Lễ hội đình Đầm Hà xưa kia được tổ chức linh đình từ 15 đến 20 tháng giêng âm lịch hàng năm, gắn với các phong tục tập quán của dân làng Đầm Hà. Ngoài các nghi thức rước tế Thành hoàng như bao lễ hội khác, lễ hội đình Đầm Hà còn có nhiều nét độc đáo riêng biệt. Đó là sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế, chạy cờ xung quanh đình, miếu trong lúc rước, hát ca trù, hát xướng đào mừng Thành hoàng về dự hội... Người dân Đầm Hà làm ăn sinh sống ở xa hay ở tại quê hương nếu được thăng quan tiến chức hay đỗ sơ học yếu lược (lớp 4 thời xưa), cho dù rất bận cũng phải về dự lễ Cáo trạng trong ngày hội đình. Đây là hình thức khuyến học, khuyến tài được dân làng Đầm Hà quy định trong lệ làng từ rất sớm. Các nghi thức trên rất riêng biệt và ít thấy trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian ở Quảng Ninh. Một điểm đáng chú ý khác là đình Đầm Hà không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng mà nơi đây còn là nơi sản sinh ra các câu hát Hát nhà tơ - Hát múa cửa đình (một loại hình diễn sướng dân gian trong tế lễ các vị thần).
Từ năm 1957, do nhiều nguyên nhân, lễ hội đình Đầm Hà đã không được tổ chức nữa. Năm 1963, đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân Đầm Hà năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định cho phép phục dựng lại đình Đầm Hà và lễ hội đình Đầm Hà theo phong tục truyền thống vốn có.
Lễ hội đình Đầm Hà được phục dựng lại theo đúng truyền thống vốn có
Có thể nói, đình Đầm Hà không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân ở Đầm Hà và đông đảo du khách thập phương mà nó còn là nơi giáo dục truyền thống đánh giặc cứu nước, giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của người dân Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trung tâm TTXTDL biên tập