Di tích và danh thắng

Di tích và danh thắng

Đình Trà Cổ- Di tích kiến trúc nghệ thuật nơi địa đầu Tổ Quốc

Đình làng là biểu trưng của tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã. Ngôi đình chính là trung tâm văn hóa của làng, tập hợp các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tiêu biểu nhất là lễ hội. Từ thời Lê sơ, phần lớn, trong mỗi làng đều có đình làng - một thiết chế văn hóa tín ngưỡng, đánh dấu nét độc đáo của cơ cấu làng xã cổ truyền. Hình thành từ thời Hậu Lê, Đình Trà Cổ, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái là một trong những ngôi đình có nguồn gốc và đặc điểm như thế.

 

Ở Móng Cái, tìm hiểu về vùng đất Trà Cổ, người dân địa phương và mọi du khách đều nhớ về lịch sử đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Theo hồ sơ khoa học xếp hạng của di tích, Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê ( năm 1461), quá trình hình thành và tồn tại của đình Trà Cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ ngày nay.

 

 

Đình Trà Cổ (Ảnh: Khánh Hòa)

Theo truyền thuyết, vào thời Hậu Lê (năm 1461), người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (Thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (Thuộc vùng biển Trà Cổ - Móng Cái hiện nay). Trong một lần sóng to gió lớn, mười hai gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi sự vất vả, sáu gia đình đã tìm cách để quay về quê cũ. Sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng một vùng quê mới. Thế rồi, ngày ngày họ cùng nhau khai phá đất mới, vừa đánh cá, vừa khai hoang. Ban đầu chỉ là 06 ngôi nhà đơn sơ và dần dần đã trở thành một xóm làng trù phú. Và như nhiều làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đình Trà Cổ đã được nhân dân góp công, góp của xây dựng. Sau khi xây dựng đình, nhân dân địa phương đã trở về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình (Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch). Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công đã có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.

 

 

Một nghi lễ trong hội đình Trà Cổ hàng năm 

Trải qua những tác động của thời gian, đến nay đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2012. Ngôi đình hiện nay, được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích hơn 1000 m2, quay theo hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 05 gian 02 trái bái đường và 03 gian hậu cung với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá… Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn đương thời. Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện nay, tại đình Trà Cổ hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 03 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu  rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy…

Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi” (Cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 ông đám chăm sóc, nuôi lớn).

 

 

Nghi lễ rước thần trong khuôn khổ hội đình 

Với những giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa, năm 1974, đình Trà Cổ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. Đây là di tích đầu tiên của thành phố Móng Cái được xếp hạng. Năm 2005, Lễ hội đình Trà Cổ đã được Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh) chọn giới thiệu tại “Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc”.

Trong quy hoạch định hướng phát triển ngành Du lịch Quảng Ninh cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Móng Cái, Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch. Cùng với Bãi biển Trà Cổ , đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, chùa Vạn Linh Khánh, nhà thờ Trà Cổ, di tích nhà bia lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Trà Cổ năm 1961, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ… đã tạo nên sự gắn kết, hoà quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp văn hoá, làm cho Trà Cổ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa./.

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN ĐƯỜNG ĐI

 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862