Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

DU LỊCH TÂM LINH

1. Cụm di tích Văn hóa núi Bài Thơ
Địa chỉ: phường Hòn Gai - thành phố Hạ Long
Vách đá bài thơ cổ
 
Núi Bài Thơ sau sự cố cháy năm 2017 hiện đang đóng cửa trùng tu, không cho du khách lên tham quan để bảo đảm an ninh khu vực. Dưới chân núi, ngay trên cầu Bài Thơ 2, một ngôi đền nhỏ vốn là miếu thổ thần được trùng tu nhằm bảo vệ di tích bài thơ cổ đề trên vách núi. Hiện di tích bài thơ được bảo quản tại hậu viện của đền, khách du lịch có thể vào trong đền để chiêm ngưỡng tận mắt bút tích của vua Lê Thánh Tông.
 
Đền Trần Quốc Nghiễn
 
Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Ninh

Địa chỉ: đường Trần Quốc Nghiễn - phường Hồng Gai - thành phố Hạ Long
Di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin nay là Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1140/QĐ ngày 31/8/1992
Công trình bao gồm: Ba gian bái đường, một hậu cung. Đền thờ Mẫu nằm ở bên phải đền chính. Bên trái đền chính là Chùa thờ Phật. Trong đền chính thờ Trần Quốc Nghiễn tại ban giữa, ban bên phải thờ Đệ Nhất Vương Cô, ban trái thờ Đệ Nhị Vương Cô. Trong đền có đầy đủ nghi trượng, bát bửu, các đồ tế khí. Đền đã qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo.
Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức ngày 24/3 âm lịch hàng năm (ngày mất của ông). Tuy nhiên từ năm 2008, lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30 - 4 hàng năm.
 
Chùa Long Tiên
 
Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Ninh

Địa chỉ: Phố Long Tiên - phường Bạch Đằng - thành phố Hạ Long
Trên đỉnh tam quan là tượng phật A-di-đà với tư thế ngồi, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”. Hai bên là hai câu đối: Nhật tà tháp ảnh hoành tây điện/Sơn tượng chung thành đáo khách thuyền (Bóng tháp trong chiều tà nằm ngang điện/ Chuông chùa nơi đỉnh núi vẳng nơi thuyền khách)
Chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu.
Toà tam quan gồm ba cửa: cửa “Hữu”; cửa “Vô” và cửa “Đại”. Ngoài cổng Tam Quan có tượng Bồ Đề Đạt Ma, tổ của Thiền tông Trung Quốc và Việt Nam Bái đường và chính điện kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”. Đây là nơi đặt nhiều tướng thờ. Cung tả của chính điện phối thờ cha, thánh Trần Hưng Đạo, cung bên hữu phối thờ mẹ, Vân Phương Thánh Mẫu.
: Trước kia, chùa Long Tiên mở hội chính vào ngày 24/3 (âm lịch). Còn hiện nay ngày nào cũng là hội. Khách du lịch Việt Nam và nước ngoài đến vãn cảnh chùa, các tín đồ dâng hương cúng Phật, tụng kinh… nhưng đông nhất là ngày rằm và mồng một hàng tháng và đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.
 
2. Khu Di tích nhà Trần
Quần thể khu di tích nhà Trần ở Đông Triều ở phía Nam dãy núi Đông Triều thuộc địa bàn 4 xã: An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Quy hoạch khu di tích nhà Trần bao gồm 14 điểm di tích: Đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.
Lễ hội hàng năm của di tích nhà Trần thường khai hội vào ngày 9/1 (Âm lịch) và kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân. 

Am Ngoạ Vân
- Di chuyển từ Hà Nội – Ngọa Vân: Khoảng cách: 125km
Từ Hà Nội các bạn có thể đi theo QL1 đi Bắc Ninh, rẽ sang QL18 đi Chí Linh, Sao Đỏ, Đông Triều. Đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông để tới đền An Sinh. Từ đây tiếp tục đi đến hồ Trại Lốc, men theo hồ đến khu di tích Nhà Trần rồi tiếp theo sẽ đến được ga cáp treo đi Ngọa Vân. 
- Di chuyển từ Hạ Long – Đông Triều: Khoảng cách: 78km
Từ trung tâm thành phố Hạ Long di chuyển dọc theo Quốc lộ 18 đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông tới đền An Sinh. Từ đây tiếp tục đi đến hồ Trại Lốc, men theo hồ đến khu di tích Nhà Trần rồi tiếp theo sẽ đến được ga cáp treo đi Ngọa Vân.
 
Ảnh: baoquangninh

Tháng 8 năm 1299 vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung Trùng Quang Phủ Thiên Trường (Nam Định) xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ. Tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân, am nhỏ đó được gọi tên theo đỉnh núi nơi dựng am từ là am Ngọa Vân. Ngày 01 tháng 11 năm 1308 (Mậu Thân) Ngài “an nhiên viên tịch” ở tư thế sư tử nằm tại am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành hóa phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi Ngài hóa Phật, các đệ tử đã hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân, đồng thời cho xây dựng một tòa bảo tháp để lưu giữ xá lỵ của Ngài tại đỉnh và gọi tên là Phật Hoàng tháp.
Đầu thế kỷ 20, các kiến trúc xây dựng thời Lê Trung Hưng phần lớn đã bị đổ nát, nhân dân làng Đốc Trại (nay là làng Trại Lốc), làng được triều đình ngà Nguyễn giao cho việc trông coi thờ phụng lăng tẩm các vị vua Trần và chùa Ngọa Vân đã trùng tu, tôn tạo các công trình cũ còn lại và xây mới nhà Tổ, am Ngọa Vân và am Sơn Thần.
Trải suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm, am Ngọa Vân từ lúc ban đầu chỉ là một “thảo am” nơi Trúc Lâm Đại Sĩ tu hành và đắc đạo, trở thành thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
 
Đền An Sinh
- Di chuyển từ Hà Nội – Đền An Sinh: Khoảng cách: 100km
Từ Hà Nội các bạn có thể đi theo QL1 đi Bắc Ninh, rẽ sang QL18 đi Chí Linh, Sao Đỏ, Đông Triều. Đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông để tới đền An Sinh.
- Di chuyển từ Hạ Long – Đền An Sinh Khoảng cách: 70km
Từ trung tâm thành phố Hạ Long di chuyển dọc theo Quốc lộ 18 đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông để tới đền An Sinh. 


Ảnh: baoquangninh
 
Khu di tích Đền An Sinh ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Từ quốc lộ 18A đến trung tâm phường Đông Triều, rẽ trái (nếu đi từ Hà Nội) khoảng 5 km là vào tới đền. Khu di tích bao gồm một ngôi đền và lăng mộ của các vị vua Trần, nằm rải rác trong một khuôn viên khá rộng lớn có bán kính 20 km để thờ “Bát vị Hoàng Ðế” thời Trần. Di tích được xây dựng thời Trần, trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Khu lăng mộ An Sinh thờ các vị vua Trần Thái Tông (1225-1258), Trần Thánh Tông (1258-1278), Trần Nhân Tông (, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông. Trần Giản Định, tức là Giản Định Đế, là vị vua nhà Hậu Trần, con trai của Trần Nghệ Tông, xưng đế năm 1407, cũng được thờ tại đây. Trong bán kính  4km là rải rác các lăng mộ và cũng có 175 đời nhà Trần
Khu vực đền có diện tích khá rộng, khoảng 80.000 m2. Cổng đền có những hàng nhãn cổ thụ làm cho cảnh quan đền thêm cổ kính. Quanh đền có 14 cây đại thụ, biểu hiện cho 14 đời vua nhà Trần. Trước đền có tám cây vạn tuế biểu hiện cho tám vị vua được thờ ở đây.
 
Đền Thái
- Di chuyển từ Hà Nội – Đền Thái: Khoảng cách: 103km
Từ Hà Nội các bạn có thể đi theo QL1 đi Bắc Ninh, rẽ sang QL18 đi Chí Linh, Sao Đỏ, Đông Triều. Đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông để tới đền An Sinh. Từ đây tiếp tục di chuyển đến Hồ Trại Lốc đi men theo hồ sẽ đến đền Thái.
 
- Di chuyển từ Hạ Long – Đền Thái:  Khoảng cách: 72km
Từ trung tâm thành phố Hạ Long di chuyển dọc theo Quốc lộ 18 đến trung tâm Thị xã Đông Triều thì đi thẳng đường Trần Nhân Tông tới đền An Sinh. Từ đây tiếp tục di chuyển đến Hồ Trại Lốc đi men theo hồ sẽ đến đền Thái.
 
Đền Thái tọa lạc trên một quả đồi thấp, có tên đồi Đình, ở thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh (Đông Triều). Đây là một trong những di tích quan trọng bậc nhất nằm trong quần thể các di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
 
Theo lịch sử, văn bia và kết quả khai quật khảo cổ học tại Thái miếu năm 2008 – 2010 cho thấy: Thái miếu được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII) và là nơi thờ tự các vị vua đầu tiên Trần. Đến có sự hài hòa về không gian tổng thể kiến trúc và những sắc thái riêng biệt , độc đáo của toàn bộ các hạng mục công trình, bên cạnh đó là lượng lớn các di vật gồm các loại hình vật liệu kiến trúc, gốm sứ, đồ kim loại.
 
3. Khu Di tích Bạch Đằng
Địa chỉ: thị xã Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh
Nơi đây, dân tộc ta đã 3 lần chiến thắng oanh liệt quân xâm lược: Năm 938, Ngô Quyền chỉ huy quân và dân ta đánh tan quân Nam Hán kết thúc thời kỳ Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Năm 981, dưới sự chỉ huy của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống bảo vệ vững chắc bờ cõi. Và mùa xuân Mậu Tý năm 1288, quân và dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh gồm 6.000 chiếc và 40.000 quân của quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy.

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên luôn quan tâm đặc biệt đối với khu di tích. Năm 2012, quần thể Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng đã được nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. 
 
4. Miếu Vua Bà 
Địa chỉ: xã Yên Giang - thị xã Quảng Yên
Miếu Vua Bà đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử. Đây là một trong số di tích nằm trong quần thể bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc và đình Trung Bản, những dấu ấn của Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử 1288.

Tương truyền rằng trong chuyến đi thị sát địa hình chuẩn bị chiến trường, Trần Hưng Đạo qua bến đò gặp một cụ bà bán nước đã hỏi thăm vùng đất này. Bà cụ đã cung cấp cho Trần Hưng Đạo lịch triều con nước, địa thế dòng sông và còn bày cho chiến thuật hỏa công để đánh giặc. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo đã quay lại bến đò tìm bà cụ bán hàng nước thì không thấy nữa, ông đã xin vua Trần phong sắc cho bà là “Vua Bà” và lập đền thờ tại đây.
 
5. Đền thờ Trần Hưng Đạo 

Địa chỉ: bên bờ sông Bạch Đằng thuộc địa phận xã Yên Giang - thị xã Quảng Yên
Đền thờ Trần Hưng Đạo được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cùng với miếu Vua Bà bổ sung cho di tích Bãi cọc Bạch Đằng.
Đền Trần Hưng Đạo trước đây được xây dựng ở khu hậu đồng, cách đền ngày nay gần 1.000 m về hướng đông, năm 1936 mới chuyển về cạnh miếu Vua Bà ở vị trí hiện nay. Đền được xây dựng ngay trên mảnh đất diễn ra trận đại thắng Bạch Đằng năm 1288 mà những cọc gỗ dưới đầm Yên Giang là một minh chứng.
Đền kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (J), gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo đối với giang sơn đất Việt, một bộ kiệu bát cống được chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ và bốn đạo sắc của các vua triều Nguyễn phong cho các chủ nhân đền Trần Hưng Đạo.
Lễ hội Đền thờ Trần Hưng Đạo được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 3 Âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động phong phú.
 
6. Đền Trung Cốc 
Địa chỉ: nằm trên gò đất cao ở giữa thôn Ðông Cốc - xã Nam Hoà - thị xã Quảng Yên

Đền Trung Cốc đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử số 310 QÐ/BT ngày 13-2-1996 bổ sung cho di tích bãi cọc Bạch Ðằng. Ðền được xây dựng từ lâu bằng tranh tre, đến năm Gia Long thứ 6 (1807) xây dựng lại như ngày nay. Ðền thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và Phạm Ngũ Lão. Tương truyền, để chuẩn bị cho xây dựng bãi cọc đồng Vạn Muối ở cửa Sông Kênh, 2 ông đã bị cạn thuyền gò đất thôn Ðông Cốc (ngày nay) và phải huy động dân binh, thuyền chài tới kéo thuyền ra. Ðể ghi nhớ sự kiện này, sau chiến thắng Bạch Ðằng, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại chỗ thuyền bị mắc cạn trước đây.
 
 
7. Khu Di tích Yên Tử 
Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử 
Địa chỉ: Núi Yên Tử - thành phố Uông Bí 
Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có Chùa Đồng ở độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào danh sơn đất Việt. Yên Tử càng nổi tiếng hơn từ khi các vua nhà Trần (thế kỷ 13) chọn núi rừng Yên Tử làm nơi tu hành và phát triển đạo Phật, hình thành thiền phái Trúc Lâm. Cũng từ đó hệ thống chùa, am, tháp uy nghi được các triều đại sau tôn tạo, xây dựng suốt từ chân lên tới đỉnh núi. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng; cây đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát khiến khách tới du lịch Yên Tử sẽ quên đi nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam. 
Lễ hội Yên Tử hàng năm thường khai hội vào ngày 10/1 (Âm lịch) và kéo dài trong suốt 3 tháng mùa xuân Sau nghi lễ được tổ chức dưới chân núi, sẽ là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với non thiêng Yên Tử.
 
8. Miếu Cổ Linh - Đền Công 
Địa chỉ: thành phố Uông Bí 
Miếu Cổ Linh (hay còn có tên gọi khác là Miếu Cu Linh – Cây Giêng) là Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia Đặc biệt. Đền Đình Công là nơi thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Miếu thờ 4 vị Thần Linh là: Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng Tướng Quân, Bạch Thạch Tướng Quân. Năm 2000, Đình Đền Công và miếu Cổ Linh được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. 
Lễ hội Đình Đền Công được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. 
 
9. Miếu Sâu
Địa chỉ: xã Dực Yên - huyện Đầm Hà
Theo những người quản lý miếu và những người cao niên trong xã cũng không ai biết đích xác ngôi miếu được xây dựng từ năm nào. Diện tích miếu không lớn nhưng vẫn được giữ nguyên trạng và giá trị ở chỗ từ tường, xà ngang, kèo đến mái lợp đều làm bằng đá; những tảng đá to được mài phẳng ghép khít với nhau nhưng không thấy mạch vữa. Trong miếu, các pho tượng cổ, bát hương, bệ thờ, chó đá vẫn được giữ nguyên. Miếu là nơi để người dân đến cầu trời, khấn phật khi gặp tai ương, hoạn nạn hoặc cầu con khi hiếm muộn. 
Miếu Sâu còn gắn với dấu tích của lịch sử từ thời kỳ phong kiến chống giặc ngoại xâm và kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước Cách mạng Tháng Tám, Miếu Được Việt Minh chọn làm nơi đặt trạm liên lạc, nơi hội ý chớp nhoáng giữa cán bộ căn cứ kháng chiến với cán bộ công tác ở vùng địch hậu. Chòm đá cạnh miếu cũng được chọn làm “hòm thư bí mật” để liên lạc trong suốt thời kỳ kháng chiến.
 
10. Miếu Ông - Miếu Bà 
Địa chỉ: huyện Ba Chẽ 
Miếu Ông là nơi thờ Đức thánh phù Trần, tả tướng quân Lê Bá Đức (thường gọi là Lê Tự Đức). Ông có công lớn trong việc thờ vua Trần Nhân Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Quốc Công Tiết chế Trần Quốc Tuấn khi học tạm lánh ở sông Ba Chẽ đầu năm 1285 để chuẩn bị chiến đấu. Miếu Bà nằm bên bờ sông. Để sang hành lễ tại Miếu Bà, du khách cần đi thuyền qua dòng sông Ba Chẽ. Miếu Bà là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn. Theo  truyền thuyết, Mẫu là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương, có tên La Bình. Bà đã có công dạy người miền núi cách trồng cây ăn quả, lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh, Bà được người dân tôn thờ lập nên Miếu ngay bờ trái của sông Ba Chẽ, trên núi Cái Tăn, nằm đối diện với Miếu Ông.
Năm 2012, Miếu Bà được công nhận là di tích cấp Tỉnh. Hàng năm vào ngày 1/3 Âm lịch, Ban Quản lý di tích xã Nam Sơn tổ chức Lễ hội với Lễ Dâng hương, cầu mong cho người dân có cuộc sống yên bình, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. 
Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà được tổ chức vào khoảng cuối tháng 3 – đầu tháng 4 Âm lịch. 
 
11. Khu Di tích Lịch sử Danh thắng Vũng Đục 
Địa chỉ:Khu Diêm Thủy, Phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả
Khu Di tích Lịch sử Danh thắng Vũng Đục là một quần thể di tích nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long,được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1999. Quần thể di tích Vũng Đục gồm Đền Vũng Đục, Đền thờ liệt sỹ, Đài tưởng niệm và các hang động tự nhiên. 
- Đền Vũng Đục: được xây dựng từ thời Pháp do các thương thuyền và ngư dân lập nên để thờ Mẫu, thờ Phật và thờ Thánh. 
- Đền thờ các liệt sỹ Vũng Đục: Được xây dựng năm 2012, diện tích rộng khoảng 3.000m2trên khuôn viên 11,5ha, gồm 3 gian 2 chái với thiết kế hình chữ đinh, khung bằng gỗ, tường gạch, cổng tam quan, có 2 nhà đối xứng hai bên là Tả vu và Hữu vu dành làm nơi sắp lễ, 2 nhà bia để ghi sự kiện các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công lao đóng góp công đức của các cá nhân.
- Đài tưởng niệm Vũng Đục: Được xây dựng vào năm 1993 để tưởng nhớ 30 chiến sỹ cách mạng (trong đó có 8 phụ nữ) đã bị giặc Pháp bắt và đưa ra Vũng Đục dìm chết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đứng trên đài tưởng niệm Vũng Đục, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp, tàu bè ra vào cảng Vũng Đục tấp nập.
- Hệ thống Hang động Vũng Đục: là hệ thống hang động tự nhiên nằm trong dãy núi Bàn Cờ gồm 5 hang động được liên kết với nhau: Động Thiên Đăng, Long Vân, Ngỡ Ngàng, Kim Quy, hang Dơi.
 
12. Đền Cặp  Tiên 
Đền Cặp Tiên thờ vị tiểu thư là con gái Trần Quốc Tảng. Khuôn viên đền có Giếng Tiên. Đây là một giếng nước ngọt nằm ngay bên bờ biển. Quanh năm giếng không bao giờ hết nước.   Thường niên, hội đền tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng.
Năm 2017, đền Cặp Tiên được Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
 
13. Đền thờ Vua Lý Anh Tông 
Địa chỉ: cách cảng tàu khách Vân Đồn khoảng 200m
Đền thờ Vua Lý Anh Tông xây trên bậc thềm triền núi Rồng phía Tây Nam. Ngôi đền được xây dựng từ năm 1172. Năm 2007, UBND tỉnh có quyết định công nhận đền thờ vua Lý Anh Tông, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn (tên chữ là Vân hải Linh từ) là di tích lịch sử cấp tỉnh.
 
14. Quần thể di tích Núi Mằn - Đền Bạch Thạch
Địa chỉ: Thôn Đá Trắng - xã Thống Nhất - thành phố Hạ Long (huyện Hoành Bồ cũ) 
Quần thể di tích Danh thắng Núi Mằn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.
Quần thể danh lam thắng cảnh Núi Mằn gồm nhiều di tích của huyện trong đó chiếm vị trí trung tâm là Danh thắng núi Mằn, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. Núi Mằn có tên trong thư tịch cổ là “Bân Sơn" - nghĩa là hài hòa, trong ngoài hoàn thiện. Vì vậy, Bân Sơn có nghĩa là ngọn núi đẹp, hoàn thiện từ trong ra ngoài. Núi có dòng sông Mân chảy qua nên người dân địa phương thường gọi núi Bân là núi Mân (từ “Mằn” là đọc chệch của từ “Mân”).
Bên cạnh những vẻ đẹp thiên tạo, núi Mằn còn có giá trị, ý nghĩa về văn hóa tâm linh. Núi Mằn gắn liền với truyền thuyết "Ông khổng lồ gánh đá vá trời”. Một truyền thuyết ly kỳ từ thời khai thiên lập địa, trời thủng một lỗ, ông thấy dân khổ quá liền gánh đá, vá trời. Những địa danh còn lưu lại đến ngày nay như: ruộng Ông Khổng Lồ, đồi ông Khổng Lồ, vết chân ông bước qua sông Cửa Lục tạo thành những dải đất có hình bàn chân (chân ông Khổng Lồ). Đặc biệt khi ông trở vai đòn gánh gãy làm đôi, một bên gánh rơi xuống Thành phố Hạ Long (là núi Truyền Đăng- núi Bài Thơ), một bên rơi xuống địa phận Xích Thổ (Hoành Bồ) chính là núi Mằn ngày nay... (đây là một truyền thuyết có giá trị trong kho tàng dân gian Quảng Ninh).

Anh Thư - Trung tâm TTXTDL Quảng Ninh

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 0913 265 009; ZALO, VIBER (+84)855628862