Đặc sản địa phương

Đặc sản địa phương

Hấp dẫn gỏi cá Đục Minh Châu

Khi nhắc đến những món ăn được làm từ cá đục không thể không kể đến gỏi cá đục. Món gỏi này có hương vị hoàn toàn khác so với những món gỏi thông thường. Tháng 9, Minh Châu bước vào mùa cá đục. Đây là thời điểm cá Đục có thịt săn chắc, dai giòn cực ngon. 
Cá đục hoa để làm món gỏi cá đục.
Theo những lão ngư giàu kinh nghiệm thì sở dĩ Minh Châu vốn có nhiều cá đục to và ngon bởi vùng biển Minh Châu có những bãi cát trắng, môi trường trong sạch rất hợp cho cá đục sinh trưởng. Ở Minh Châu, khu vực nhiều cá đục nhất là ở kề khu vực vụng kín nằm kẹp giữa Cửa Đối và vụng Đầu Cào, ngay cảng tàu khách Minh Châu không xa. Đây là khu vực nước khá lặng, phía dưới có nhiều bãi, rạn, giàu thức ăn, phù du mà cá đục hay chọn làm nơi sinh đẻ và kiếm ăn.
Cá đục là loài cá nhỏ, mình thuôn dài, vảy trắng bạc lấp lánh. Cá đục ở biển bình thường to cỡ cổ tay, còn cá đục ở sông, ở đầm nước lợ thường chỉ bằng hai ngón tay khép và dài cỡ gang tay đổ lại. Thịt cá đục chắc, trắng, rất thơm ngon, có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau vô cùng hấp dẫn. Theo các nghiên cứu, cá đục chứa rất nhiều vitamin, dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Các chất dinh dưỡng có trong cá đục bao gồm: vitamin (A và B), khoáng chất, Omega3,... Khi bạn chế biến cá đục cùng các thực phẩm khác với chế độ ăn uống đủ chất, cuộc sống lành mạnh sẽ rất tốt cho cơ thể. 
Cá đục thường dài khoảng 10-15cm, sống gần bờ, thịt trắng, rất lành, có thể làm thức ăn cho trẻ em và phụ nữ sau sinh. Thông thường mùa cá đục bắt đầu từ tháng 5-6 hàng năm, kéo dài cho tới tháng 10. Tuy nhiên, cá đục nhiều, rộ và to nhất là dịp chớm thu, vào tháng 9. 
Từ tháng 9 trở đi là mùa cá sinh sản và sinh trưởng mạnh nhất trong năm. Theo những ngư dân thì những dịp này, cá đục có khá nhiều ở khu vực gần bờ, có thể đánh bắt bằng thả lưới hay thả câu vì cá đục ham ăn, cắn câu liên tục. Để câu được nhiều cá đục cần chọn thời tiết mát mẻ, thời điểm nước lên, khi đó cá sẽ theo dòng chảy từ Cửa Đối hoặc khu Đầu Cào vào rất nhiều.
"Cá đục câu tươi sống, to bằng chừng 2 ngón tay làm gỏi là nhất. Tuy nhiên, phải chọn cá đục hoa, loại có vạch màu vàng nâu dọc chiều dài thân, thịt mềm và thơm. Để làm gỏi ngon, khi câu được cá phải gỡ khéo, giữ cá sống, thả vào ô văng trên thuyền" - anh Nguyễn Thanh Đình, ngư dân Minh Châu, chia sẻ.
Gỏi cá đục Minh Châu trang trí trên nền lá mui biển xanh.
Để chế biến, cá đục sau khi câu được làm sạch, đánh vẩy và bỏ phần ruột cá bên trong rồi đưa vào khăn hoặc giấy thấm khô. Tiếp theo, loại bỏ xương sống lưng, chọn phần thịt dày, trắng nhất thái chéo để bỏ phần xương dăm ở bụng cá. Đây là khâu quan trọng nhất vì nếu đường dao không dứt khoát, thịt cá có thể bị nát hoặc không tách hết phần thịt thơm ngon của cá đục.
Từng miếng cá đục trắng trong còn giữ nguyên độ tươi sẽ được ăn kèm cùng lá mui biển, loại lá đặc trưng của vùng biển đảo, thêm chút rau thơm chấm kèm xì dầu mù tạt, hoặc nước mắm cốt cá, tỏi, ớt. Vị ngọt thịt cá kết hợp mùi chua thanh mát của lá mui và vị cay nồng của nước chấm sẽ làm say lòng những thực khách ưa thích những món gỏi hải sản. 
Trung tâm TTXTDL biên tập

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862