Khu di tích Miếu Mỏ là địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại khu vực núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây thời nhà nguyễn có tên là Yên Lĩnh ( An Lãnh), hiện nay gọi là Yên Lãng.
Khu Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam được UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Chuyện xưa kể rằng: Người dân đi đốn củi ở vùng núi Yên Lãng một lần lấy những hòn dá đen kê làm ông đầu rau để nấu ăn, không ngờ các hòn đá bắt lửa bốc cháy và sinh nhiệt. Thấy hiện tượng lạ họ nhặt đá để bán cho thợ rèn để đúc tiền, rèn nông cụ và binh khí.
Vào năm Minh Mệnh thứ 20 ( năm Kỷ Hợi 1839) Tống đốc Hải yên là Tôn Thất Bật đã dâng sớ tấu lên triều đình xin thuê dân phu khai thác than tại đây. Triều đình đã cho dân vùng này đào 10 vạn cân than mang về kinh thành Huế nộp cho vua. Ngày 10 tháng 01 năm 1840 ( tức ngày 06 tháng 12 năm Kỷ Hợi) vua Minh Mệnh ra chỉ dụ cho phép Tổng đốc Hải Yên cho dân khai thác than ở vùng núi Yên Lĩnh. Đến thời vua Tự Đức khu mỏ do một người Hoa kiểu thuộc dòng họ Vạn Lợi tổ chức khai thác than. Năm 1888, triều đình nhà Nguyễn ký văn tự bán khu mỏ cho thực dân Pháp và chuyển nhượng khu mỏ cho nhà tư bản tên MacTi. Sau năm 1954, thực dân Pháp rút khỏi khu mỏ Hồng Quảng, khu vực núi Yên Lãng được tiến hành khai thác than cho đến nay. Ngày 1 tháng 10 năm 2008 UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Khu di tích đền Thượng (Miếu mỏ) thuộc dự án bảo quản, tu bổ khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại thôn Yên Lãng, xã Yên Thọ do Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại – Tổng Công ty Đông Bắc thi công. Được triển khai từ tháng 4 năm 2016 với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng đến nay các hạng mục công trình chính thuộc khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam đã cơ bản hoàn thành như Nghi môn ngoại đền Thượng, Cổng Tam quan nội đền Thượng, Khu nhà tả, hữu vu; Tháp Thạch trụ yểm sơn, Đài Hoàng đế chỉ dụ, đến Đền chính uy nghi… Kiến trúc đền gồm tòa tiền đường, tòa thiêu hương và hậu cung... Tất cả đều cho thấy sự trân trọng cội nguồn, lòng biết ơn các thế hệ đã khai sinh ra ngành khai thác than Việt Nam.
Đền Thượng, nơi tưởng nhớ cội nguồn, tri ân tổ nghiệp và đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than, là nơi giáo dục truyền thống cho những người thợ mỏ.
Ngành khai thác than Việt Nam là một ngành đặc thù, bởi vào ngày 15/11/1968, trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than, Bác Hồ căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc…” và câu hát “thợ mỏ vào ca cũng là chiến sỹ” trong ca khúc Tình ca người thợ mỏ của nhạc sĩ Hoàng Vân là ta có thể thấy rõ được đặc thù đó.
Việc tìm lại được địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam, cội nguồn của ngành than đã mang một ý nghĩa lớn với lịch sử ngành than-khoáng sản Việt Nam. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận di tích “Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam” tại núi Yên Lãng, thuộc thôn Trại Hà, xã Yên Thọ, TX Đông Triều (Quảng Ninh). Di tích mang ý nghĩa quốc gia, dân tộc, đồng thời, có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thợ mỏ qua các thế hệ nói riêng, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh và Việt Nam nói chung.
Nhà bia tưởng niệm những người thợ mỏ hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than
Gần đây nhất, đầu tháng 11/2019, TKV đã xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than. Nhà bia nằm trong dự án Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, đặt ở bên trái đền Thượng trên đường bộ hành dẫn từ nghi môn ngoại lên nghi môn nội, quay hướng Nam vuông góc với trục chính tâm của đền Thượng và nằm trong khuôn viên cây xanh. Công trình có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thợ mỏ, là địa chỉ tâm linh để ôn lại lịch sử truyền thống, tưởng nhớ cội nguồn, tri ân tổ nghiệp và đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than.
Di tích lịch sử - địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại thôn Yên Lãng, xã Yên Thọ trở thành nơi du lịch về nguồn của ngành than Việt Nam. Địa danh này là một trong những minh chứng lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành, phát triển của giai cấp công nhân mỏ và truyền thống lịch sử công cuộc khai mỏ của các thế hệ thợ mỏ ngành than Việt Nam từ chế độ phong kiến đến nay.
Trung tâm TTXTDL Quảng Ninh