Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Linh thiêng Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều)

     Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam với lịch sử hình thành từ nghìn năm trước đây. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa cũng như quá trình hình thành, nơi đây còn được mệnh danh là “Trường Đại học Phật giáo” đầu tiên ở nước ta.
Toàn cảnh khu vực chùa Quỳnh Lâm (Nguồn ảnh: dantri.com.vn)
     Chùa Quỳnh Lâm (hay còn gọi là chùa Quỳnh) thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất trên vùng đất Quảng Ninh ngày nay - sớm hơn cả các chùa tháp ở Yên Tử. Theo các nhà nghiên cứu, qua các tài liệu thư tịch, trong đó có cả bia chùa thì chùa Quỳnh Lâm được xây dựng dưới triều vua Lý Thần Tông (1127-1138) và người có công lớn trong việc tạo dựng ngôi chùa là quốc sư Nguyễn Minh Không (1076-1141). Ngay sau khi lập nên ngôi chùa, ông đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20m) để thờ cúng, đây được coi là một trong “An Nam tứ đại khí” (bốn báu vật lớn của Việt Nam, gồm tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Di Lặc chùa Quỳnh Lâm). Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5m). Có thể do chiều cao vượt ngưỡng đó mà dân gian vẫn truyền tai nhau rằng, đứng ở phía nam huyện Đông Triều cách xa tới 10 dặm vẫn còn thấy nóc của gian điện.
Nhưng phải nói rằng chùa Quỳnh Lâm thực sự trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng nhất là vào thế kỷ XIV với hoạt động của thiền sư Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ, tháng 12 năm 1317 thiền sư Pháp Loa cho xây dựng và thành lập Viện Quỳnh Lâm với các kiến trúc đồ sộ và hoàn chỉnh. Vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành “Đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam”. Đây là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật, nhiều hội lớn có tiếng trong sử sách được tổ chức tại đây, như hội “Thiên Phật bảy ngày, bảy đêm” (1325)...
     Năm 1319, thiền sư Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và phật tử chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Viện Quỳnh Lâm. Năm 1328, thiền sư lại cho đúc một pho tượng Di Lặc. Năm 1329, thiền sư cho đem theo một phần tro hài cốt của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm) về đặt trong tháp đá ở chùa Quỳnh Lâm. Sang đầu thế kỷ XV, chùa bị phá huỷ nặng nề, phải trùng tu rất nhiều lần. Đến thế kỷ XVIII (1727) chùa dựng tháp Tịch Quang bằng đá xanh (tháp mộ của nhà sư Chân Nguyên - một nhà sư có công lớn đối với chùa), tháp gồm 7 tầng cao 10m, đỉnh tháp hình búp đa, trên tháp có gắn tấm bia ghi lại tiểu sử của sư Chân Nguyên. Đến giữa thế kỷ XVIII, chùa được trùng tu lớn với loại hình kiến trúc được quy hoạch chuẩn theo kiểu “nội công, ngoại quốc” với gần trăm gian, có cả chuông đồng, khánh đá rất to, trở thành trung tâm Phật giáo, văn hóa lớn nhất của cả nước... Chính vì thế mà trong dân gian còn lưu truyền câu ca:
Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Ðông
Tháp cao chín đợt màu mây ám
Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng
Trước điện thông reo cùng trúc hóa
Trong am khánh đá với chuông đồng...

Bia tháp cổ tại Chùa Quỳnh Lâm (Nguồn ảnh: phatgiao.org.vn)

     Trải qua năm tháng, cùng với những biến động của thời cuộc, chùa nhiều lần bị xuống cấp hoặc phá hủy, thiêu rụi rồi lại được trùng tu, tôn tạo. Hiện vật đáng chú ý nhất tại chùa Quỳnh hiện nay là tấm bia đá dựng bên trái cổng chùa. Đây là một trong hai tấm bia đá cổ lớn nhất ở Quảng Ninh hiện nay. Bia cao 2,4m, rộng 1,56m, dày 0,26m. Trên trán bia có trang trí hình rồng và trong các ô vuông chéo ở riềm bia cũng trang trí hình rồng nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật thì tấm bia này có niên đại từ thời Lý (thế kỷ 11-12).

 

Chùa Quỳnh Lâm luôn là một địa chỉ văn hóa – tâm linh thu hút du khách (Nguồn ảnh: baodulich)

Từ năm 2016 đến nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, do BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh - đại diện là Thượng tọa Thích Đạo Quang, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cho đến nay chùa Quỳnh Lâm vẫn giữ được những nét cổ kính với kiểu kiến trúc cổ xưa và đặc biệt là vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của dân tộc, gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người dân Việt Nam nói chung và người dân Quảng Ninh nói riêng.

Trung tâm TTXTDL biên tập

 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862