Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Miếu Tiên Công

     Quảng Yên là mảnh đất giàu có về di sản văn hóa, trong đó di tích miếu Tiên Công thuộc vào hàng những di sản nổi bật nhất...
Miếu Tiên Công được xây dựng để thờ các vị Tiên công đã có công khai hoang lấp biển, tạo nên khu đảo Hà Nam ngày nay (Nguồn ảnh: webtretho.com)
     Miếu Tiên Công nằm cạnh trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Cẩm La, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh. Theo truyền thuyết, vùng đảo Hà Nam là do một số nhóm Tiên Công và dân cư từ kinh thành Thăng Long đến đây quai đê, lấn biển, tạo dựng thành. Mỗi độ xuân về, các cụ Tiên Công (những người đầu tiên có công khai phá và tạo lập nên vùng đảo Hà Nam) lại nhớ những buổi hội hè, đình đám chốn kinh thành xưa, nên đã mời các bô lão tuổi tác cao nhất trong làng xã “trộm” đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rước lên miếu đường và bày soạn vật phẩm tế lễ. Mọi hoạt động diễn ra như thể ở triều đình với lọng che, phường nhạc bát âm, hát xướng... dần dần đã hình thành lễ hội “Rước người” độc đáo của vùng đảo này.
     Còn theo các tư liệu lịch sử, từ thời Lý - Trần đã có một số vạn chài đến vùng đất Quảng Yên ngày nay sinh sống, họ đã dựa vào những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến đầu thế kỷ XV, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư đến quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo nên khu đảo Hà Nam. Trong đó có 17 vị Tiên công, người quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện thọ Xương, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long (nay là Hà Nội). Để tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, người dân toàn xã Phong Lưu đã lập miếu thờ thập thất Tiên Công ở thôn Cẩm La để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ.
Các nghi lễ thờ cúng được tổ chức tại miếu Tiên Công (Nguồn ảnh: nhandan.com.vn)
     Theo các cụ cao niên nơi đây kể lại, miếu Tiên Công được người dân xây dựng vào năm 1723, với kiến trúc kiểu chữ Đinh có cung trong và ngoài phục vụ cho việc tế lễ. Miếu ngoài, nghi môn ngày xưa có kiến trúc 5 gian, 2 chái khá cầu kỳ, vững chãi. Miếu đã trải qua 3 lần trùng tu từ nguồn công đức và của nhân dân đóng góp cho đến trận lũ lụt lịch sử làm vỡ đê Hà Nam năm 1955 khiến công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Do điều kiện khó khăn khi ấy nên đã không thể phục hồi miếu ngoài, nghi môn mà chỉ giữ lại được miếu trong, nhà bái đường. Hai hạng mục này tiếp tục được nhân dân địa phương tu bổ, tôn tạo vào năm 1989 và tồn tại đến ngày nay.
Toàn cảnh gian giữa bái đường trong miếu Tiên Công (Nguồn ảnh: quangyen.vn)
     Gắn với di tích miếu là Lễ hội Tiên Công, một lễ hội “rước người” độc đáo nhất Việt Nam, được các dòng họ và người dân tứ xã vùng đảo Hà Nam tổ chức từ mùng 5 đến 7 tháng Giêng hằng năm, với rất nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian sôi động. Phần lễ của Lễ hội Tiên Công có nhiều nghi lễ rất độc đáo như: Nghi lễ chạp tổ, ra cỗ họ, nghi lễ dẫn thọ, rước thọ v.v.. Đặc sắc nhất là nghi lễ rước thọ được tổ chức vào ngày chính hội mùng 7 tháng Giêng. Vào ngày này, những gia đình có cha mẹ thượng thọ có điều kiện sẽ cùng dòng họ và làng xóm tổ chức đoàn rước đưa “cụ Thượng” về miếu Tiên Công lễ tổ. Ngày nay, thôn Yên Đông thường tổ chức rước tập thể cho các “cụ Thượng” của thôn; một số dòng họ tổ chức rước tập thể cho các “cụ Thượng” của dòng họ. Khi các cụ Thượng lễ Tiên Công xong, hàng xã mời hai “cụ Thượng” còn khoẻ ra trước cửa miếu Tiên Công làm nghi lễ “vượt thổ” (đắp đê) và thực hiện nghi thức “đánh vật”. Đắp đê và đánh vật của “cụ Thượng” là nét văn hoá độc đáo, tinh tế của người Thăng Long nơi cửa biển. Hai nghi lễ này là đỉnh cao giáo dục con cháu rèn luyện sức khoẻ, đắp đê, làm thuỷ lợi, chống chọi với mưa bão, triều dâng bảo vệ xóm làng và từ đường hương hoả của tổ tiên. Cùng với nghi thức lễ tế Tiên Công, xung quanh khu vực đền Tiên Công diễn ra các hoạt động như: đấu cờ người, chơi đu, bài điếm, chọi gà, hát đúm và một vài trò vui khác.
Lễ hội Tiên Công (lễ hội rước người sống) có thể được coi là một trong những lễ hội độc đáo nhất Việt Nam
(Nguồn ảnh: baolaodong)
     Sau lễ hội Tiên Công, nhân dân vùng đảo Hà Nam mới thực sự bước vào các hoạt động của năm mới như: Cày cấy, gieo trồng, mua con giống, ra khơi đánh cá, bồi trúc đê điều, khơi thông mương máng, đi buôn bán… với niềm tin rằng sau Lễ hội Tiên Công, họ đã được phù trợ, tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp mà các Tiên Công đã để lại.
     Với những giá trị lịch sử - văn hóa to lớn, di tích miếu Tiên Công và các nhà thờ dòng họ Tiên Công đã được xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 1990, còn lễ hội Tiên Công cũng được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2017.
Trung tâm TTXTDL biên tập
 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 0913 265 009; ZALO, VIBER (+84)855628862