Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Nét đẹp cổ kính Đình Tràng Vỹ - Móng Cái

    Mái đình, cây đa là những hình ảnh quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân nước Việt. Đình làng là biểu trưng tinh thần của làng xã, nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa của mỗi địa phương cũng là hồn cốt của dân tộc qua các thời kỳ. Ở Miền Bắc Việt Nam, đình xuất hiện ở nhiều nơi và trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng của cộng đồng, Đình làng ra đời và tồn tại cùng với quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng cư dân. Ở mỗi làng khác nhau, đình lại có nguồn gốc hình thành riêng. Chính vì thế mà người Trà Cổ bây giờ vẫn lưu truyền câu ca “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” như nhắc nhở con cháu về gốc gác xa xưa của mình.
Đình Tràng Vỹ hiện lên với dáng vẻ bình dị và thanh tịnh
Ảnh: Sưu tầm
    Đình Tràng Vỹ, thuộc địa phận khu Tràng Vỹ, phường Trà Cổ cũng là một ngôi đình được hình thành với ý nghĩa như thế. Ra đời gắn với sự tích “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”, Đình được tách ra từ Đình Trà Cổ, do nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân làng Tràng Vỹ; Tại Đình thờ các vị thần: Linh ứng quảng trạch đại vương tôn thần, Dực bảo trung hưng linh phù Nhân Minh đại vương tôn thần, Ngọc Sơn trấn hải đại vương tôn thần, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Giác Hải. Ngoài ra, tại đây còn phối thờ 6 vị công thần đã có công khai khẩn, lập lên vùng đất Trà Cổ xưa. Năm 2011, di tích đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
    Đình Tràng Vỹ xưa kia còn được gọi với một cái tên khác là đình Sa Vỹ (Gắn với tên gọi của làng xưa kia là làng Sa Vỹ). Đình được xây dựng từ năm 1810 trên cơ sở tách ra từ đình Trà Cổ. Ban đầu, đình chỉ được xây dựng gồm một gian hậu cung với diện tích là 22,55m2. Năm 1910, ba gian tiền đường được xây dựng thêm với diện tích 180m2. Trải qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi đình gốc đã không còn. Năm 1993, đình Tràng Vỹ đã được nhân dân trong vùng đầu tư khôi phục lại với diện tích  khuôn viên rộng gần 11.000m2. Ngôi đình có bố cục chữ “Đinh-J” với tổng diện tích là 4.489m2, mái lợp ngói tây, diềm mái phía trước được trang trí dải băng cánh sen cách điệu bằng xi măng. Tiền đường gồm năm gian hai chái. Trên bờ nóc đắp nổi vân mây, bốn góc mái có bốn đầu đao uốn cong. Hậu cung là nơi đặt ban thờ của 06 vị Thành hoàng làng. Đồng thời cũng là nơi lưu giữ của 06 sắc phong thời vua Bảo Đại.
    Tương truyền rằng, cách đây khoảng 500 năm, vào thời hậu Lê, có mười hai gia đình quê ở Đồ Sơn (Hải Phòng) làm nghề chài lưới, trong một lần đi biển xa gặp sóng to, gió lớn bị trôi dạt vào một hòn đảo hoang vu đầy cỏ dại, sú vẹt và bùn lầy. Cảnh sắc thiên nhiên dù đẹp nhưng cuộc sống ban đầu nơi đảo hoang với họ thật chẳng dễ dàng gì, không chịu được gian nan, vất vả nên sáu gia đình đã bỏ đi tìm nơi khác sinh sống. Số còn lại nhìn thấy những tiềm năng giàu có của vùng đất mới này nên quyết bám trụ để sinh cơ lập nghiệp.
Những cái chòi tạm bợ được dựng lên trên bãi sú để che nắng, che mưa, ngày ngày mọi người chặt sú, phát lau, đắp bờ, thau chua, rửa mặn dần dần đã khoanh lại được những mảnh đất màu mỡ có thể cấy lúa, trồng khoai đảm bảo nhu cầu lương thực hàng ngày. Với nghề chài lưới vốn đã thông thạo, họ ngày ngày xuống biển đánh bắt cá tôm để phục vụ thêm cho đời sống thường nhật...
    Sự chăm chỉ, nhẫn nại của những người con đất biển cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Không bao lâu sau, vùng quê mới đã khấm khá dần lên, dân cư cũng đông đúc hơn. Họ lấy tên gốc của quê mình là hai làng Trà Phương và Cổ Trai ghép lại đặt cho quê mới là Trà Cổ. Cùng với đó thì nhu cầu đời sống tâm linh, tinh thần cũng được chăm sóc tốt hơn. Họ đã xây dựng ngôi đình để ghi nhớ công ơn tổ tiên, dòng họ ở quê gốc cũng là khẳng định vị thế của làng và quyết tâm của các thế hệ người Trà Cổ sinh cơ lập nghiệp lâu dài ở nơi họ đã khai phá. Đình Trà Cổ gốc ấy nay vẫn còn tồn tại với nguyên tên cũ như một bằng chứng sừng sững về công trình văn hoá nơi biên giới và được nhiều người trong cả nước biết đến bởi những giá trị kiến trúc nổi tiếng. Dân làng đã tôn 6 vị Tiên Công đã có công khai phá vùng đất mới làm thành hoàng để thờ trong đình và phối thờ cùng các vị thần - thành hoàng khác nữa.
    Trà Cổ lúc đầu là ngôi đình chung của cả xã, nhưng sau này, dân cư sinh sôi, đông đúc lên gấp nhiều lần thì việc thờ chung ở đình nảy sinh những bất cập. Vì vậy, để thuận tiện cho các làng trong việc thờ cúng, trong các sinh hoạt chung của làng, các thôn đã tách ra xây dựng đình riêng, đình được lấy theo tên làng, trong đó có đình Tràng Vỹ, riêng đình Trà Cổ thì vẫn giữ nguyên tên cũ. Mặc dù tách riêng nhưng cũng như đình Trà Cổ, đình Tràng Vỹ vẫn thờ 6 vị Tiên công, ngoài ra còn phối thờ 6 vị thần - thành hoàng khác ở hậu cung. 6 vị thần này đều được vua Bảo Đại sắc phong chức Đại vương tôn thần vào năm thứ 10 (1935) (các sắc phong hiện vẫn được lưu giữ tại đình). Trong số đó có Lã thái uý Lý Thường Kiệt, vị tướng tài đặc biệt nổi danh với chiến thuật “lấy tấn công để phòng ngự” khi đưa quân đánh thẳng sang đất Tống để đè bẹp ý chí, lực lượng quân xâm lược nhà Tống năm 1075-1076.
    Ngày nay, khi Móng Cái đang trên đà xây dựng khu kinh tế cửa khẩu phát triển; bên cạnh sự náo nhiệt của hoạt động buôn bán, kinh doanh, những người dân Trà Cổ nói chung và người dân Tràng Vỹ nói riêng vẫn bảo tồn được những lễ hội truyền thống của cư dân miền biển. Hàng năm, lễ hội Tràng Vỹ được tổ chức từ mùng 1 đến mùng 6 tháng Giêng Âm Lịch. Cũng như lễ hội đình Trà Cổ, nét độc đáo nhất của lễ hội đình Tràng Vỹ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông Voi” và nhiều trò chơi dân gian truyền thống khác: múa bông, đi kheo trên bãi biển;
    Cũng như bao ngôi đình khác trên đất nước Việt Nam, lịch sử hình thành và tồn tại của đình Tràng Vỹ gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng xã ở đây. Không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đình Tràng Vỹ còn là nơi dân làng gửi gắm niềm tin, sự biết ơn đối với tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc và cầu mong sự chở che, phù hộ cho dân làng. Cùng với di tích nghệ thuật đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, đền Thánh Mẫu… di tích đình Tràng Vỹ hứa hẹn sẽ trở thành một địa điểm tham quan du lịch tâm linh đầy tiềm năng của thành phố Móng Cái.
Trung tâm TTXTDL biên tập
 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862