Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Nét đẹp kiến trúc cổ đình Phong Cốc

    Đình Phong Cốc hay còn gọi là Đình Cốc thuộc Khu 4, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là nơi giáp danh giữa phường Phong Cốc và phường Phong Hải, và ở vị trí trung tâm vùng đảo Hà Nam cách trung tâm thị xã Quảng Yên 5km đi về phí nam qua cầu Sông Chanh. Đình Cốc là một trong những ngôi đình có kiến trúc cổ kính và lớn nhất ở Hà Nam.
Toàn  cảnh Đình Phong Cốc là không gian yên bình và thanh tịnh
 ( Ảnh: Sưu tầm)
    Nguồn gốc tên gọi Đình Cốc xuất phát từ vị trí tọa lạc của Đình có thế tựa hình con chim Cốc. Đình được dựng trên nền đất cao, quay hướng Đông Nam. Phía trước trông ra dòng sông Cửa Đình. Phía sau đình là hai cây bồ đề cổ thụ rợp bóng mát khiến cho đình càng thêm cổ kính. Mái đình lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp nổi hình hai rồng chầu mặt trời. Sân đình được lát bằng những phiến đá xanh to bản, kích thước 50x50cm. Đây là ngôi đình duy nhất ở Hà Nam có cả một cái sân rộng và lát bằng đá như thế này. Trước kia, người dân trong làng, trong xã vẫn lấy sân đình để họp chợ (gọi là chợ Cốc), nhưng sau đó để bảo đảm an toàn cho di tích, chính quyền địa phương đã di dời chợ ra phía ngoài sân đình.
Đình Cốc là một quần thể kiến trúc gồm tiền đường, bái đường và hậu cung.
    Tiền đường còn gọi là đình ngoài được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII   được nhân dân xã Phong Lưu xưa mua về dựng ở nơi này vào năm Gia Long thứ 4 (năm 1805). Đình gồm 7 gian 2 chái. Vì kèo của đình được làm theo kiểu giá chiêng kẻ suốt, mỗi vì có 6 hàng cột. Những cột cái của đình đều có kích thước rất lớn tới 0,80m. Cột ở đây được tạo theo lối "Thượng thu, hạ thách". Các vì kèo cũng làm theo lối này, nghĩa là phía dưới to hơn phía trên, tạo ra thế đứng vững cho từng cây cột, vì kèo. Đây là một hình thức tính toán thông minh trong kiến trúc cổ của những thợ làm đình. Mái đình rộng bề thế, diềm mái hơi lượn cong dần về hai góc mái hợp với đầu đao cong vút làm cho mái đình trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng. Trước cửa đình còn nguyên vẹn hai cánh cửa chính bằng gỗ lim chạm nổi hình rồng, phượng đang bay trong mây. Hai cánh cửa khép lại tạo thành một tác phẩm điêu khắc gỗ lớn độc đáo. Hai bên cửa chính là hệ thống cửa chấn song lùa gió, đón gió Đông khiến trong đình luôn mát rượi. Hầu hết trên các cấu kiện cửa đình đều được chạm khắc (trừ các cột, xà thượng, xà trung và xà hạ). Kỹ thuật chạm khắc ở đây rất tinh vi, điêu luyện. Hầu hết là chạm kênh bong nhiều lớp, chạm thủng, chạm nổi và khắc vạch, làm cho các bức chạm có chiều sâu, mảng khối rõ ràng, dưới ánh sáng tự nhiên, các bức chạm như tách khỏi các cấu kiện của đình hiện lên lung linh, sinh động.
    Bái đường còn gọi là đình trong, được xây dựng vào năm Cảnh Thịnh 1800. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc mang phong cách Hậu Lê. Đình có 5 gian, 2 chái, 8 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc. Chân cột kê bằng đá xanh, cổ tròn, đế vuông. So với tiền đường thì điêu khắc của bái đường ít hơn, kỹ thuật chủ yếu là chạm nông và kênh bong trên các bức cốn, đầu bẩy, con giường, xà đùi.
    Hậu cung được nối thông với gian giữa của bái đường là hậu cung, cấu trúc hệ thống vì kèo đơn giản hơn tiền đường và bái đường. Toàn bộ cấu kiện hậu cung không được chạm khắc.
Tiền đường là một không gian thoáng rộng dài 35m và rộng 15m
( Ảnh: Hà Phong)
    Đình được dựng làm nơi thờ Thành Hoàng của làng và Thần Nông. Thành Hoàng thờ ở hậu cung. Thần Nông được thờ ở hậu bên phải của nhà tiền đường. Thành Hoàng là tứ vị Thánh Nương. Tương truyền bốn vị thần này đã linh ứng giúp vua Trần Anh Tông đánh thắng giặc Chiêm Thành vào năm Trần Hưng Long thứ 12 (1290) và giúp vua Lê Thánh Tông đánh thắng giặc Chiêm Thành vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), được các triều vua phong là Thượng Đẳng Thần, có đền thờ chính ở Cần Hải, xã Hương Cát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Truyền thuyết trên cũng được chính sử cũ ghi lại.
    Đình Phong Cốc chẳng những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị về văn hóa. Nơi đây còn lưu giữ lại nguyên vẹn những phong tục, hội hè truyền thống của nhân dân lao động vùng cửa biển, loại trừ những yếu tố mê tín, những hủ tục do chế độ phong kiến đặt ra. Đình Cốc chính là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân nơi này. Các lễ hội gắn với Đình Cốc như lễ cầu mưa, hội xuống đồng, hội ăn cơm mới. Các lễ hội được tổ chức với mong muốn một cuộc sống bình an, ấm no, mưa thuận gió hòa. Chính những giá trị tốt đẹp khiến các lễ hội truyền thống vẫn còn được duy trì cho đến nay.
Không khí náo nhiệt của Lễ hội Xuống đồng tại Đình Phong Cốc (Ảnh:baoquangninh)
    Đình Phong Cốc đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 22-3-1988. Với các đặc điểm kiến trúc điêu khắc, Đình Phong Cốc là một trong những di tích văn hóa bảo tồn sức sống tươi mát, mạnh mẽ, rực rỡ của nền nghệ thuật cổ Việt Nam vào cuối  thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XVIII.
Trung tâm TTXTDL biên tập

 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862