Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Nét đẹp thanh bình tại Đền thờ Lê Thái Tổ - Hạ Long

    Đền thờ vua Lê Lợi, ở xã Lê Lợi (TP Hạ Long), thờ lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, lên ngôi trở thành vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê.
Qua nhiều lần trùng tu nhưng cổng đền cổ kính vẫn được giữ lại nguyên trạng
    Theo hồ sơ di tích, đền thờ vua Lê Lợi được xây dựng vào cuối thế kỷ XV, toạ lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là sông nước. Xưa kia đền có kiến trúc kiểu chữ "nhị" (=) gồm 3 gian bái đường và 3 gian hậu cung, mái lợp ngói vẩy, có sân đền và cổng, xung quanh có tường bao, tạo thành một không gian biệt lập.
    Về nguồn gốc của đền thờ Lê Thái Tổ, tương truyền, khi Lê Lợi bị thua trận phải rút lui qua xã Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, lộ An Bang (nay là xã Lê Lợi, TP Hạ Long) ngài gặp một người đàn bà mặc áo trắng chết nằm ở ngay đường. Ông động lòng thương đem chôn cái xác ấy đi, xong rồi mới chạy trốn. Khi nấp trong một bụi cây, đám chó săn nhằm bụi cây mà sủa khiến bọn giặc cứ nhằm nơi ông mà đâm giáo mác.
    May sao lúc đó từ trong gốc cây có một con cáo trắng chạy ra, đám chó chạy đuổi theo con cáo khiến bọn giặc tức giận đâm chết con chó. Qua được nạn, ông thấy chỗ ấy phong cảnh hữu tình nên tâm niệm: "Sống làm vua, chết sẽ làm thần bảo vệ dân làng nơi đây".
    Trải qua thời gian, chiến tranh, đền thờ Lê Thái Tổ đã bị huỷ hoại nhiều lần. Qua dấu vết nền móng, các nhà nghiên cứu đã khẳng định đền thờ vua Lê Lợi đã có 5 lần trùng tu lớn. Đền được trùng tu trên diện tích hơn 2ha, quay theo hướng Tây, trước cửa đền còn giữ được cổng nghi môn cổ, trên đề 3 chữ “Tối linh từ”. 2 cột trụ có đôi câu đối, tạm dịch là: "Đến chiêm bái lời cổ nhân sáng tỏ/ Vào tất rõ đền miếu đẹp hiển nhiên".
    Qua cổng là sân đền có lư hương và bàn thờ thiên (trời), tiếp đến là bậc tam cấp với 2 ông voi chầu hai bên. Gian bái đường, phía trên xà có treo 1 đại tự bằng gỗ, chạm rồng chầu nhật, chữ viết bằng sơn đen ghi 4 chữ: “Thượng đẳng tối linh”.
    Tiếp sau khu vực bái đường là hậu cung. Khu vực này rộng khoảng 47m2, chính giữa đặt ban thờ và tượng Lê Thái Tổ. Hai bên là tượng của tướng Lê Lai và danh nhân Nguyễn Trãi. Xung quanh đền thờ là không gian sông nước mênh mông. Xa hơn một chút là dòng sông Cửa Lục.
Ngôi đền có dáng vóc bình dị, khiêm nhường
    Tại đền Lê Thái Tổ ngày nay còn lưu giữ được 5 sắc phong các vua triều Nguyễn ban tặng vào năm 1821 và năm 1846. Nội dung các sắc phong nêu rõ: Các vị thần Lê Thái Tổ, Lê Lai, Nguyễn Trãi, thần Núi, thần Sông… đã có công giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng, nay gia tặng Thượng đẳng thần và cho phép xã Trí Xuyên, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên phụng thờ như xưa.
    Trải qua thời gian dài bị thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, các hiện vật cổ hầu hết đều đã bị hư hỏng nặng. Hiện đền còn 1 pho tượng Lê Lai, 12 chân cột và gạch ngói thời Lê, 14 đồ sành sứ thời Mạc và nghi môn cổ song cũng đủ phản ánh được giá trị của ngôi đền. Năm 2003, đền thờ Lê Thái Tổ được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Với những giá trị cả về lịch sử và yếu tố tâm linh, đền thờ Lê Thái Tổ là nơi thu hút đông đảo nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến tham quan, chiêm bái.
    Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tổ được tổ chức vào tháng 11 âm lịch hàng năm nhằm tuyên truyền giáo dục cho nhân dân về truyền thống, lịch sử dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân; góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nguồn: Báo Quảng Ninh

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862