Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Những điểm du lịch tâm linh khó thể bỏ qua tại Hạ Long

Hạ Long là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Ninh, cách thủ đô Hà Nội 130km và thành phố Hải Phòng 25km. Thành phố Hạ Long được đánh giá là điểm du lịch trọng điểm của miền bắc. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Hạ Long còn có tài nguyên văn hoá lịch sử phong phú, đặc sắc.

1. Cụm di tích văn hóa núi Bài Thơ

         Cụm di tích văn hoá núi Bài Thơ bao gồm Khu Văn hóa núi Bài Thơ, Vách đá bài thơ cổ, chùa Long Tiên và đền Trần Quốc Nghiễn.

         Núi Bài Thơ nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, trước đây có tên là Truyền Đăng hay còn gọi là Rọi Đèn. Xuất xứ của tên gọi này do trước đây ngọn núi là điểm tiền tiêu thông báo những thông tin quan trọng về an ninh, quốc phòng. Nhưng núi Bài Thơ được biết đến nhiều nhất là do những bài thơ được khắc trên vách núi. Trên núi còn lưu dấu tích một số bài thơ chữ Hán và chữ quốc ngữ. Bài thơ đầu tiên và nổi tiếng nhất là tác phẩm của vua Lê Thánh Tông.

         Ngoài ra, đến núi Bài Thơ, khách du lịch cũng có thể vào hành hương tại ngôi chùa tọa lạc ở ngay dưới chân núi Bài Thơ là chùa Long Tiên. Nằm trong cụm di tích là đền Trần Quốc Nghiễn. Đền thờ vị tướng Trần Quốc Nghiễn – con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người có công lớn trong nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đặc biệt là trận chiến quân Nguyên – Mông lần thứ 3.

Đi qua chùa, qua đền lên tới đỉnh núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng sự kì vĩ của Vịnh Hạ Long, với những ngọn núi nhấp nhô, thuyền bè qua lại dập dềnh trên sóng nước.

 

Vách đá bài thơ cổ

         Núi Bài Thơ sau sự cố cháy năm 2017 hiện đang đóng cửa trùng tu, không cho du khách lên tham quan để bảo đảm an ninh khu vực. Dưới chân núi, ngay trên cầu Bài Thơ 2, một ngôi đền nhỏ vốn là miếu thổ thần được trùng tu nhằm bảo vệ di tích bài thơ cổ đề trên vách núi. Hiện di tích bài thơ được bảo quản tại hậu viện của đền, khách du lịch có thể vào trong đền để chiêm ngưỡng tận mắt bút tích của vua Lê Thánh Tông.

 

Đền Trần Quốc Nghiễn


 
Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Ninh

         Di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin nay là Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1140/QĐ ngày 31/8/1992.

         Công trình bao gồm: Ba gian bái đường, một hậu cung. Đền thờ Mẫu nằm ở bên phải đền chính. Bên trái đền chính là Chùa thờ Phật. Trong đền chính thờ Trần Quốc Nghiễn tại ban giữa, ban bên phải thờ Đệ Nhất Vương Cô, ban trái thờ Đệ Nhị Vương Cô. Trong đền có đầy đủ nghi trượng, bát bửu, các đồ tế khí. Đền đã qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo.

         Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức ngày 24/3 âm lịch hàng năm (ngày mất của ông). Tuy nhiên từ năm 2008, lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30 - 4 hàng năm.

 

Chùa Long Tiên

         Trên đỉnh tam quan là tượng phật A-di-đà với tư thế ngồi, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”. Hai bên là hai câu đối: Nhật tà tháp ảnh hoành tây điện/Sơn tượng chung thành đáo khách thuyền (Bóng tháp trong chiều tà nằm ngang điện/ Chuông chùa nơi đỉnh núi vẳng nơi thuyền khách)

         Chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu.

         Toà tam quan gồm ba cửa: cửa “Hữu”; cửa “Vô” và cửa “Đại”. Ngoài cổng Tam Quan có tượng Bồ Đề Đạt Ma, tổ của Thiền tông Trung Quốc và Việt Nam Bái đường và chính điện kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”. Đây là nơi đặt nhiều tướng thờ. Cung tả của chính điện phối thờ cha, thánh Trần Hưng Đạo, cung bên hữu phối thờ mẹ, Vân Phương Thánh Mẫu.

         Trước kia, chùa Long Tiên mở hội chính vào ngày 24/3 (âm lịch). Còn hiện nay ngày nào cũng là hội. Khách du lịch Việt Nam và nước ngoài đến vãn cảnh chùa, các tín đồ dâng hương cúng Phật, tụng kinh… nhưng đông nhất là ngày rằm và mồng một hàng tháng và đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.

 Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Ninh

2. Quần thể di tích Núi Mằn - Đền Bạch Thạch

         Quần thể di tích Danh thắng Núi Mằn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.

         Quần thể danh lam thắng cảnh Núi Mằn gồm nhiều di tích của huyện trong đó chiếm vị trí trung tâm là Danh thắng núi Mằn, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. Núi Mằn có tên trong thư tịch cổ là “Bân Sơn" - nghĩa là hài hòa, trong ngoài hoàn thiện. Vì vậy, Bân Sơn có nghĩa là ngọn núi đẹp, hoàn thiện từ trong ra ngoài. Núi có dòng sông Mân chảy qua nên người dân địa phương thường gọi núi Bân là núi Mân.

Ảnh: Báo Quảng Ninh

 

         Bên cạnh những vẻ đẹp thiên tạo, núi Mằn còn có giá trxị, ý nghĩa về văn hóa tâm linh. Núi Mằn gắn liền với truyền thuyết "Ông khổng lồ gánh đá vá trời”. Một truyền thuyết ly kỳ từ thời khai thiên lập địa, trời thủng một lỗ, ông thấy dân khổ quá liền gánh đá, vá trời. Những địa danh còn lưu lại đến ngày nay như: ruộng Ông Khổng Lồ, đồi ông Khổng Lồ, vết chân ông bước qua sông Cửa Lục tạo thành những dải đất có hình bàn chân. Đặc biệt khi ông trở vai đòn gánh gãy làm đôi, một bên gánh rơi xuống Thành phố Hạ Long (là núi Truyền Đăng- núi Bài Thơ), một bên rơi xuống địa phận Xích Thổ (Hoành Bồ) chính là núi Mằn ngày nay.
 

                  Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Quảng Ninh 

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862