Dưới các triều đại phong kiến, Thái miếu là chốn linh thiêng nhất, là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà vua chính vì vậy nơi đặt Thái Miếu thường là nơi quê gốc của đức Thái tổ và thường được coi là kinh đô thứ hai của một triều đại.
Ngôi Miếu được nhân dân làng Trại Lốc, An Sinh xây dựng từ những năm 1993 trên nền Thái miếu cũ.
Thái Miếu nhà Trần là một trong những di tích quan trọngnằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Quốc Gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Theo sử sách ghi lại đây chính là nơi thờ tổ tiên nhà Trần và các vị vua Trần. Thái Miếu xưa thuộc thôn Đốc trại, xã Yên Sinh, tổng Mễ Sơn, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ngày nay thuộc thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Thái Miếu dân gian vẫn quen gọi là đền Thái tọa lạc trên ngọn núi thấp có tên là Đôi Đình. Địa thế núi có mặt bằng hình ông cá thiêng: “ linh ngư”, nằm dài theo chiều Bắc Nam , mặt chính quay chính Nam, hai bên trái phải có nsui cao như tay ngai bao bọc, phía sau có đỉnh núi Vây Rồng chót vót – nơi có Am Ngọa Vân làm hậu chẩm, suối phủ Am Trà đổ từ Ngọa Vâm chảy phía trước từ Đông sang Tây, xa xa phía trước là núi Tư Phúc làm tiền án, minh đường phía trước có hai giếng mắt rồng tụ thủy, xung quanh có hiều núi non nhỏ bao bọc chầu về. Với đặc điểm địa hình “ Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ; hậu chẩm có núi cao, minh đường có tụ thủy, tiền án có núi chắn.”
Thái miếu được xây dựng từ thời Trần, là công trình đặc biệt có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Vương và có quy mô to lớn. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, Thái miếu đã bị phá hủy và dần bị mai một.
Cuối thời Trần, Thái miếu cũng như những di tích khác ở Đông Triều như chùa Quỳnh Lâm... bị giặc Minh tàn phá nặng nề. Sang thời Lê Trung Hưng, Thái miếu được quan lại địa phương, nhân dân địa phương quan tâm duy trì tế tự, thờ cúng, trùng tu tôn tạo. Trải qua thời gian, nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, toàn bộ kiến trúc Thái miếu đã bị hủy hoại hoàn toàn.
Đến thời nhà Nguyễn, theo ghi chép trong văn bia tại Thái miếu năm Bảo Đại thứ 2 (1929) và trong bản Thần tích Thần sắc do Lý trưởng làng Đốc Trại ghi lại vào năm 1938, cho biết: Thái miếu được nhân dân làng Đốc Trại (Trại Lốc ngày nay) đóng góp công sức tiền của, xây dựng lại công trình trên nền điện cũ, theo kiến trúc hình chữ nhất, diện tích 78m2, với kết cấu kiến trúc ba gian hai hồi bít đốc, hai bên có trụ biểu, tường xây gạch, mái lợp ngói mũ sen, bờ nóc đắp nổi con giống. Kiểu kiến trúc của 1 ngôi đình làng (nhân dân thường gọi là đình Đốc Trại), dân làng đã cho lập bia ký ghi dấu ấn của việc quyên góp tiên của xây dựng ngôi đình và tôn các vị vua Trần lên làm Thành Hoàng của làng. Đến trước cách mạng tháng 8/1945, định Đốc Trại vẫn còn tồn tại, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng nhân dân trong vùng.
Nghi môn Thái Miếu nhà Trần
Từ năm 2008 đến nay, để bảo tồn và phát huy giá trị những di văn hóa nhà Trần, thị xã Đông Triều đã phối hợp Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh, Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thực hiện 02 đợt nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ di tích Thái miếu để làm rõ quy mô kiến trúc, đánh giá vị trí, vai trò của Thái miếu trong hệ thống di sản văn hóa nhà Trần nói chung và di tích nhà Trần ở Đông Triều nói riêng.
Qua các cuộc khai quật khảo cổ, hội thảo, các nhà khoa học đã làm phát lộ rõ toàn bộ nền móng kiến trúc của Thái miếu qua các thời kỳ Trần, Lê, Nguyễn đặc biệt là thời nhà Trần. Với diện tích khai quật trên 3.000m, các nhà khảo cổ đã làm rõ được quy mô kiến trúc mặt bằng tổng thể của Thái miếu dưới thời Trần trải qua 3 giai đoạn trùng tu, tôn tạo với 38 công trình kiến trúc liên hoàn, khép kín kiểu “nội vương ngoại quốc”, mang kiên trúc đền miếu của hoàng gia thời Trần.
Qua nghiên cứu khai quật khảo cổ cho thấy quy mô kiến trúc của Thái miếu ở thời nhà Trần rất nguy nga đồ sộ với nhiều công trình kiến trúc liên hoàn và được hoàn thiện hơn với lối kiến trúc “nội vương ngoại quốc”. Tại đây, cũng đã phát hiện nhiều loại hình di vật đồ gốm, họa tiết hoa văn trang trí kiến trúc, gạch ngói thời Trần... trong đó đáng kể nhất là chậu gốm men hoa nâu lớn với thân vẽ hoa văn hoa chanh, hoa văn dây lá tiêu biểu cho mỹ thuật thời Trần. Đặc biệt là hoa văn hình 8 con rồng biểu hiện cho vật dụng của Hoàng gia và nhà vua.
Toàn cảnh Thái Miếu
Năm 2014, Thái Miếu được tôn tạo lại với diện tích 16.223m2 với nguồn vốn hoàn toàn từ xã hội hóa. Sau 3 năm thi công và ngày 19/12/2017 (âm lịch) Thái Miếu chính thức được khánh thành. Thái Miếu gồm 3 khu vực: Khu vực Nghi Môn, khu vực bảo tồn Thái miếu từ thời Trần và khu vực Thái Miếu mới.
Nghi môn được xây dựng mới bằng đá, trên mặt trước của hai trụ chính có câu đối. Kiến trúc chính của Thái Miếu có mặt bằng hình cữ Công: Bái đường, Ống muống và Hậu Cung.
Bái đường: có cấu trúc 5 gian 2 chái, kết cấu chồng giường giá chiêng, họa tiết hoa văn mô phỏng họa tiết hoa văn thời Trần. Hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng. Cửa võng, cuốn thư, hoa văn được sơn son thếp bạc. Chính giữa là bức đại tự gồm 4 chữ: Trần Triều Thái miếu (Thái miếu triều Trần). Cách bài trí thờ tự: Chính giữa là nhang án thờ Công Đồng, bên trái là nơi phối thờ Trần triều vương hầu thân thần (vương hầu thân thần triệu Trần), bên phải là nơi phối thờ Trần triều văn võ công thần (Văn võ công thần triều Trần), hai gian trái là nơi thờ Sơn Thân và Thổ Địa. Hình thức thờ tự bằng bài vị đặt trên Ngai thờ có nhang án, bát hương. Ngoài ra: Tiền đường còn bày biện các độ nghi trượng: hạc, bát bửu, chuông, trống, ngựa gỗ, cờ, lọng...
Gian ống muống: là nơi đặt đỉnh và bát hương nhang án bái vọng hậu cung, nơi thờ thần vị tổ tiên và các vị vua Trân. Có kiến trúc 1 gian 2 chái. Chính giữa là bức đại tự: Thanh Miêu Túc Ung (Miêu thanh tịnh, nghiêm trang, hào mục). Bên Trái - Túc Tướng: Nghiêm trang tế lễ. Bên Phải - Khải Hựu: Đạo rang tỏ, cơ nghiệp kế thừa vĩ đại (Hiển Thừa).
Hậu cung: là nơi đặt thân vị của 4 vị Tô nhà Trần và 14 vị vua nhà Trần, có kiến trúc 3 gian 2 chái.
Theo Lễ cổ chỉ có các vị vua có miếu hiệu (Tổ, Tông) mới được thờ trong Thái Miếu. Tuy nhiên, nhằm tiếc khi tình cảm của người đời nay với các tiền nhân, nên Thái Miếu nhà Trần ở Đông Triều thờ phụng đủ 14 vị vua Trần. Và để tỏ rõ nguồn phúc lâu dài tích lũy mới gây dựng cơ nghiệp đế vương. Trần Thái Tông truy tôn cho cha mình là Thái Tổ hoàng đế Trần Thừa. Do vậy Thái Tổ được thờ chính giữa, trên ngai hàng đầu tiên. Sau này, Trần Anh Tông lại truy tôn đế hiệu cho 3 đời về trên nữa là Mục Tổ hoàng đế Trần Kinh, Ninh Tổ hoàng đế Trần Hấp, Nguyên Tổ hoàng đế Trần Lý. Các vị này theo lễ cổ phải thờ ở miếu riêng để báo đáp nguồn phúc lâu dài. Nay cũng được phối thờ ở hàng phía sau, long vị được bày cao hơn nhưng không đặt lên ngai. Hàng trên của gian chính giữa gồm 03 vị tổ: Mục Tổ Trần Kinh ở chính giữa; Ninh tổ Trần Hấp ở bên phải, Nguyên tổ Trần Lý ở bên trái. Hàng dưới là Thái tổ Trần Thừa ở chính giữa, 2 bên là 14 vị vua được bài trí theo điển lễ “Tả chiêu, hữu mục” và long vị được đặt trên ngai thờ.
Họa tiết hoa văn bên trong Thái Miếu mô phỏng họa tiết hoa văn thời Trần
Thái Miếu nhà Trần tại Đông Triều là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong tổng thể khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh. Trải qua những thăng trầm lịch sử, binh đao hỏa hoạn, dấu tích chỉ còn lại trong lòng đất. Nay Thái Miếu mới được xây dựng mới xứng tầm với giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, phản ánh được công đức, sự nghiệp chung của triều Trần, một hoàng triều chính thống của Quốc gia Đại Việt, nguồn phúc sâu xa và dẫn truyền đến muôn đời con cháu về sau.
Trung tâm TTXTDL Quảng Ninh