Trong 02 ngày 28 đến 29/3 (tức 30/2 đến 01/3 âm lịch), tại khu di tích lịch sử Quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà đã diễn ra Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà năm 2025. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Tưởng nhớ công đức các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước được phụng thờ tại di tích Miếu Ông – Miếu Bà năm 2025.

Zalo
Các đồng chí lãnh đạo huyện, đại biểu thực hiện nghi thức trang trọng với Lễ rước nước; nước được lấy từ khu vực Đảo Nu Tôn Chuông trên sông Ba Chẽ về để thực hiện Lễ Mộc Dục (tức Lễ tắm tượng).
Zalo
Chương trình tái hiện màn sử thi, sự kiện hai vua Trần và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thực hiện cuộc lui binh chiến lược về sông Ba Chẽ vào năm 1285.

Dự và động viên chương trình Lễ hội có các đồng chí: Vũ Thành Long – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Bùi Văn Lưu – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Đỗ Mạnh Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Đại đức Thích Giác Đạt – Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Ba Chẽ; các đồng chí Thường trực HĐND – UBND – MTTQ huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, UV Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo các xã, thị trấn, cùng đông đảo nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương.

Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà năm nay được tổ chức ở quy mô cấp huyện với nhiều điểm mới mang nhiều nét đặc sắc, riêng có, độc đáo với các nghi lễ tâm linh quan trọng và nhiều hoạt động vui chơi sôi động. Đây là địa chỉ tín ngưỡng tâm linh, linh thiêng của nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ và du khách gần xa.

Zalo
Zalo
Lễ rước bài vị thần Tam Trĩ, các vị thần của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương.

Di tích lịch sử Quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, cách cầu Ba Chẽ khoảng 1km nằm đối diện hai bên bờ sông Ba Chẽ, soi bóng xuống dòng nước trong xanh, sơn thuỷ hữu tình. Miếu Ông có tên cổ là Tam Trĩ linh từ, thờ Đức thánh phù Trần, tả tướng quân Lê Bá Đức. Ông có công phò 2 vua Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông cùng Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn xuôi dòng Ba Chẽ tạm lánh thế giặc năm 1285, để sau đó rèn binh, tích thảo, tính kế chống giặc Nguyên Mông dài lâu, giữ nguyên bờ cõi. Miếu Ông ngoài thờ đức thánh phù Trần, tả tướng quân Lê Bá Đức còn phối thờ đức vua Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông. Miếu Bà thờ mẫu Thượng Ngàn – Bà chúa của rừng xanh.

Zalo
Các đại biểu và nhân dân thực hiện nghi lễ thả cá phóng sinh với 350 con cá giống các loại được thả xuống dòng sông Ba Chẽ.

Tại phần Lễ, các đại biểu nhân dân và du khách thập phương được tham gia các nghi thức trang trọng với Lễ rước nước. Nước được lấy từ khu vực đảo Nu Tôn Chuông trên sông Ba Chẽ về để thực hiện Lễ Mộc Dục (tức Lễ tắm tượng). Tiếp đến là nghi Lễ rước bài vị thần Tam Trĩ, các vị thần và lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương, bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước và dạy nhân dân cách làm ăn, sinh sống.

Zalo
Điểm nhấn và là nét mới trong lễ  hội năm nay là Nghi thức đón Dâu được tái hiện qua thực cảnh với ý nghĩa khẳng định, tôn vinh bản sắc tiêu biểu trong lễ cưới của Người Dao Thanh Y.

Cũng trong phần lễ, các đại biểu và nhân dân đã thực hiện nghi lễ phóng sinh, thả hơn 350 con cá vược giống xuống dòng sông Ba Chẽ, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn nước, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ dòng sông Ba Chẽ trong xanh, tươi đẹp.

Zalo
Các đại biểu và nhân dân thực hiện Lễ thả đèn hoa đăng trên sông Ba Chẽ.

Trong đêm khai hội, các đại biểu và du khách được thưởng thức màn sử thi, tái hiện sự kiện hai vua Trần và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thực hiện cuộc lui binh chiến lược về sông Ba Chẽ vào năm 1285 và chương trình giao lưu dân ca, dân vũ mang đậm đà bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng có của địa phương; cùng với đó là Lễ thả đèn hoa đăng trên sông Ba Chẽ của các đại biểu, nhân dân và du khách.

Zalo
Màn tranh tài tại môn thi chèo thuyền của những chàng trai, cô gái đến từ các thôn của xã Nam Sơn.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình Lễ hội đã diễn ra hoạt động trình diễn các nghi thức văn hóa dân gian của người Dao, như: nghi thức đón dâu, giao lưu hát đối, trình diễn vấn tóc, gói bánh chưng gù; cùng các hoạt động giao lưu ẩm thực, giao lưu thể thao và các trò chơi dân gian, như: bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh trống, đi guốc mộc, đi kà kheo, nhảy sạp… tạo không khí vui tươi, phấn khởi; tạo động lực thi đua, thúc đẩy lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa trong quần chúng nhân dân. Ngoài ra, du khách khi đến với lễ hội được tham quan, mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu; các sản phẩm OCOP của huyện được trưng bày tại Lễ hội. Nổi bật là công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm Trà hoa vàng Ba Chẽ đạt 5 sao cấp Quốc gia.

Điểm nhấn và là nét mới trong lễ hội năm nay là Nghi thức đón Dâu được tái hiện qua thực cảnh với ý nghĩa khẳng định, tôn vinh bản sắc tiêu biểu trong lễ cưới của Người Dao Thanh Y đó là vai trò của người tiền trạm đến nhà gái trao đổi thống nhất giờ làm thủ tục đón dâu; vai trò của Bố Mối (Ông mối) dẫn đầu đoàn nhà trai đi đón dâu; cô dâu và chú rể dùng khăn che mặt khi thực hiện các nghi thức; mâm lễ kết duyên “Văn ẳn hin” tập quán anh trai ruột của cô dâu cõng em ra cửa khi nhà Trai đến xin dâu và tập quán cô dâu, chú rể cùng bước qua bát lửa và dải dây lưng được chăng ngang với quan niệm và niềm tin rằng mọi điều xui xẻo được ngăn lại trước khi vào nhà làm lễ kết quyên trước Gia tiên, mang lại may mắn và hạnh phúc lâu bền cho 2 vợ chồng.

Zalo
Zalo
Zalo
Chương trình giao lưu dân ca, dân vũ mang đậm đà bản sắc văn hóa, đặc trưng riêng có của địa phương.
Zalo
Nhiều hoạt động TDTT, các trò chơi dân gian được diễn ra tại Lễ hội.

Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà khép lại với bao niềm vui, bao cảm xúc lắng đọng trong tâm hồn của mỗi người dân và du khách. Lễ hội lần này được huyện chuẩn bị chu đáo về cả nội dung lẫn hình thức nên đã thu hút được đông đảo người dân và du khách thập phương cùng hòa mình vào không khí sôi động của lễ hội; một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa sâu sắc và mọi hoạt động liên quan đến khu di tích lịch sử Quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà đều vì mục tiêu mong cầu cho Quốc thái, Dân an; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong huyện và du khách gần xa../.

Trung tâm TT&VH Ba Chẽ

Chung nhan Tin Nhiem Mang