Du lịch Văn hóa Tâm linh

Du lịch Văn hóa Tâm linh

Chùa Quỳnh Lâm – Trường Đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam

   Chùa Quỳnh Lâm là một trong các ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam. Xưa kia chùa là một trung tâm Phật giáo quan trọng của dòng thiền Trúc Lâm. Nơi đây cũng chính là trường Đại học Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam.
Chùa Quỳnh Lâm là di tích có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều
Chùa Quỳnh Lâm – Trường Đại học Phật Giáo đầu tiên tại Việt Nam
   Chùa Quỳnh Lâm tên thường gọi là chùa Quỳnh, tên tự là Quỳnh Lâm Tự, tọa lạc tại núi Tiên Du, thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Lịch sử thiền phái Trúc Lâm cho hay: Từ những năm đầu thế kỷ XIV, sư tổ đệ nhị (Thiền sư Pháp Loa) của thiền phái đã cho san khắc nhiều bộ kinh luật tại chùa Vĩnh Nghiêm để phục vụ việc truyền giảng, lưu hành giáo lý. Được sự ủng hộ rất lớn của nhà vua và các giới quý tộc, Pháp Loa đã cho xây dựng và mở mang nhiều chùa tháp. Riêng năm 1314 ông cho xây dựng 33 cơ sở điện thờ Phật, gác chứa kinh... Chính trong thời kỳ này trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ, năm 1316 Pháp Loa cho thành lập Quỳnh Lâm viện - trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta.
Nét đặc sắc về kiến trúc chùa Quỳnh Lâm
   Ngày 12/12/2020 (ngày 28/10 năm Canh Tý), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tổ chức lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm, thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, với sự tham gia của hàng nghìn chư tăng Phật tử, du khách.
Chùa được xây dựng trên thế đất “đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “ Rồng chầu, hổ phục”.
   Ngày 9/6/2016, dự án tu bổ tôn tạo chùa Quỳnh Lâm chính thức được khởi động. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay các hạng mục công trình giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành. Kinh phí thực hiện dự án hơn 163 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn huy động xã hội hóa, bao gồm các hạng mục: Kiến trúc trung tâm bao gồm 3 tòa thượng điện: Tiền đường, Trung đường, Hậu đường và nhà hành lang giải vũ với tổng diện tích xây dựng 3.720 m2; Cổng Tam quan diện tích xây dựng 95 m2; Nhà bia diện tích 31 m2; Nhà trưng bày diện tích 120 m2; tất cả kiến trúc đều bằng gỗ, các công trình phụ trợ, hệ thống sân vườn và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hệ thống nội thất có thể kể đến: Tượng pháp, hoành phi, câu đối, cửa võng, ban thờ, đồ thờ… đặc biệt là pho tượng ngọc Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni có trọng lượng 3,8 tấn, cao 2,2m được tập đoàn Vingroup cung tiến; Khu vực bãi xe, sân hội, công trình phụ trợ, trồng cây xanh tạo cảnh quan…
   Điểm nổi bật của dự án trùng tu chùa Quỳnh Lâm là kiến trúc trung tâm được đặt đúng vị trí các dấu vết kiến trúc thời Lê đã phát lộ. Chùa xây dựng mới theo dấu vết kiến trúc thời Lê, hình thức kiến trúc mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, các thành phần và mô típ trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm… Vật liệu chính sử dụng cho công trình là các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá…
Hệ mái gồm 4 mái cốc lợp gói mũi hài, bờ nóc xây gạch đặc, hai đầu bờ nóc đắp kìm dạng thủy quái makara.
Chùa Quỳnh Lâm - Đệ nhất danh lam cổ tích với pho tượng Di Lặc cao 23,5m - 1 trong 4 An Nam Tứ đại khí của nước ta.
   Theo các tư liệu lịch sử, chùa Quỳnh được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 – 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không. Ngay sau khi lập nên ngôi chùa, ông đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20m) để thờ cúng. Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5m). Có thể do chiều cao vượt ngưỡng đó mà dân gian vẫn truyền tai nhau rằng, đứng ở phía nam huyện Đông Triều cách xa tới 10 dặm vẫn còn thấy nóc của gian điện.
   Chính pho tượng này, cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh) - là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu. Sau đó không rõ tượng mất khi nào, có thể tượng bị mất cùng với ba thứ kim khí lớn khác khi quân Minh xâm lược nước ta. Ý kiến khác cho rằng, tượng bị mất từ khi quân Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta bởi vì sau đó sư Pháp Loa cho đúc một pho tượng lớn tương tự.
   Pho tượng Phật lớn thứ hai của Quỳnh Lâm cũng là Tượng Di Lặc được thiền sư Pháp Loa - ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, cho đúc. Tượng được đúc xong từ năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Ðộng thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng. Tượng cũng bị mất vào thế kỷ 15 khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn.
Nơi an vị tượng Phật Ngọc nguyên khối lớn nhất Việt Nam
   Pho tượng Phật ngọc được các nghệ nhân Nepal, Ấn Độ và Thái Lan chạm khắc tại Thái Lan theo nguyên mẫu tượng Phật Thích ca tại thánh địa Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ) để điêu khắc thành kim thân Đức Phật. Mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc phải thể hiện được sức diệu dụng và thần sắc của Đức Phật (phần lộ ra bên ngoài) đúng với mô tả về 32 tướng tuyệt hảo trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Pho tượng Phật Ngọc sau khi hoàn thiện cao 2,2m. Ngoài ra, cùng với tượng là 2 vòng hào quang bằng ngọc màu xanh, đường kính khoảng 1m được thiết kế mỹ thuật. Pho tượng Phật bằng ngọc ngồi thiền trên tòa sen trong tư thế liên hoa tọa, thần thái đầy từ bi. Với ý nghĩa những ai có cơ duyên chiêm bái Phật ngọc sẽ có được bình an trong tâm hồn, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho quốc thái dân an.
   Việc cung rước Tượng Phật ngọc về chốn Tổ Quỳnh Lâm (Học viện Phật giáo đầu tiên của cả nước dưới thời Trần) sẽ tạo khí thiêng và điềm lành cho vùng đất Đông Triều, tạo cơ hội mới và điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể Khu di tích nhà Trần nói riêng; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn; tạo ra điểm nhấn mới có sức hút với nhân dân, du khách... của vùng đất địa linh nhân kiệt, Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm, quê gốc của nhà Trần...
Tượng Phật ngọc có trọng lượng 3,8 tấn, cao 2,2m được an vị  tại tòa Thượng điện thứ 3 của Tổ đình Quỳnh Lâm.
   Chốn tổ Quỳnh Lâm tương lai sẽ xứng đáng với vị thế của một trung tâm Phật giáo, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần ở xứ Đông nói chung và Quỳnh Lâm trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Quỳnh Lâm sẽ lại là chốn tùng lâm vốn có của mình.
Trung tâm TTXTDL biên tập

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách!

Hotline: 1900 966 990; ZALO, VIBER (+84)855628862